PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm.

Trong đó, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam, với 1/3 số ca tử vong hàng năm.

Chỉ có 14% số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị, quản lý tại các cơ sở y tế. (Ảnh minh họa: KT)

Sự gia tăng của các bệnh này chủ yếu do 4 yếu tố nguy cơ chính là: Sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể lực, sử dụng rượu bia ở mức độ có hại và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Báo cáo điều tra quốc gia năm 2015 cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và cứ trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong nhóm tuổi từ 18 đến 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%.

Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong số các trường hợp tăng huyết áp, chỉ có 43,1% từng được chẩn đoán bởi bác sĩ trước đó, đồng nghĩa 56,9% người bị tăng huyết áp không được phát hiện sớm. Tuy nhiên, mới chỉ có 14% số bệnh nhân tăng huyết áp và 29% số bệnh nhân đái tháo đường được điều trị, quản lý tại các cơ sở y tế.

Ông Kydong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, một trong những lý do quan trọng cho khoảng trống điều trị lớn của bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường là dịch vụ hầu như không có sẵn tại các trạm y tế xã.

“Đối với bệnh tim mạch, hiện WHO cùng với Bộ Y tế đã phát triển và thử nghiệm một mô hình để quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã. Theo đó, trong đợt đầu tiên sẽ hỗ trợ 11 tỉnh nâng cao năng lực cho các trạm y tế xã trong điều trị quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường. Đợt 2, sẽ hỗ trợ thêm 10 tỉnh nữa” - ông Kydong Park nói.

Ông Trương Đình Bắc cho rằng, cần phải nâng cao năng lực, uy tín của các trạm y tế xã để thu hút người dân đến với trạm, tin tưởng trạm.

Cần tăng cường truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng, chống tăng huyết áp và đái tháo đường. (Ảnh minh họa: KT)

“Những trạm y tế chưa có bác sỹ thì các địa phương phải cử cán bộ bác sỹ từ trung tâm y tế huyện xuống, có thể tăng cường 1 tuần 2, 3 lần. Như vậy, nhờ có bác sỹ ở huyện tăng cường về thì cũng sẽ tạo được niềm tin của người dân đối với trạm y tế. Đồng thời hỗ trợ các cán bộ y tế cơ sở về chuyên môn như chẩn đoán hình ảnh, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc cho người bệnh”- ông Trương Đình Bắc nói.

Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, các trạm y tế cần cải tiến mô hình, cách làm trong khám, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin tại tuyến cơ sở. Sau khi triển khai quản lý tốt tăng huyết áp và đái tháo đường, cần có kế hoạch triển khai tại y tế cơ sở với một số bệnh không lây nhiễm khác như COPD, bệnh tâm thần...

Theo Bộ Y tế, việc quản lý điều trị chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở rất quan trọng. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tập trung dành nguồn tài chính cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Theo VOV