“Việc xây dựng chính phủ điện tử phải gắn liền trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả” là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam 2018 (Vietnam ICT Sunmit 2018) vừa tổ chức tại Hà Nội ngày 18/7.

Chính phủ điện tử là một khái niệm không mới, được nhiều nước trên thế giới triển khai xây dựng từ hàng chục năm nay và tạo sự thay đổi lớn trong quản trị quốc gia lẫn đời sống người dân. Tại Việt Nam, năm 2000, Chính phủ đã bắt tay xây dựng nền chính phủ điện tử gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách hành chính và đã có những kết quả nhất định.

Với Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, triển khai các kế hoạch về đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, từng bước thực hiện xây dựng chính quyền điện tử... Chuyển biến rõ nhất là việc từ 1/1/2017, tất các các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều tiếp nhận và trả kết quả qua hệ thống mạng duy nhất theo mô hình Trung tâm hành chính công tập trung trực tuyến.

Tìm hiểu trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, biểu đồ thống kê tình  hình xử lý hồ sơ năm 2018 đến thời điểm này cho thấy, đã tiếp nhận 96.166 hồ sơ; đã giải quyết 82.805 hồ sơ; hồ sơ giải quyết đúng hạn 75.231 hồ sơ (đạt 91%). Điều này phần nào phản ánh được chất lượng điều hành của chính quyền, nâng cao tính minh bạch, tiện lợi, hiệu quả trong việc xây dựng chính quyền điện tử.

Với những nỗ lực đó, trong bảng xếp hạng phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh năm 2017, được Bộ thông tin và Truyền thông công bố ngày 5/7 vừa qua, Thừa Thiên Huế là đơn vị dẫn đầu các địa phương và nằm trong top 10 địa phương hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tuy việc xây dựng chính phủ điện tử ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo nhận xét của Thủ tướng, tốc độ thực hiện rất chậm, kết quả còn rất hạn chế. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chuyển qua kỷ nguyên của số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống, phương thức sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, để phù hợp với xu hướng hội nhập và góp phần nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ cũng như năng suất lao động của Việt Nam, việc xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số là yêu cầu cấp bách...

Để đẩy nhanh tốc độ xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ điện tử còn rất nhiều việc cần làm. Thủ tưởng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020. Đi cùng với đó là việc hoàn thiện, nâng cao thể chế pháp luật nền tảng cho chính phủ điện tử; tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia và công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân về chính phủ điện tử...

Tuy nhiên, việc xây dựng chính phủ điện tử thành công hay không thì yếu tố con người là then chốt, nhất là vai trò của người đứng đầu. Thực tế thời gian qua, các địa phương, đơn vị thành công trong cải cách hành chính thì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Không chỉ quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo mà lãnh đạo còn là người gương mẫu, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành thì tất yếu cả bộ máy sẽ chuyển động theo. Ngược lại, nhân viên lười học hỏi, ứng dụng công nghệ vào công việc thì hệ lụy là bộ máy vận hành ì ạch.

Hoàng Minh