Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được đẩy lên đỉnh điểm khi Mỹ mới đây đã đưa ra quyết định áp đặt 25% thuế quan vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ USD.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, những xung đột thương mại ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo ra được một số lợi ích, tuy nhiên cũng gây ra nhiều bất lợi đối với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Thuận lợi ở chỗ, khi cánh cửa cho hàng hóa Trung Quốc sang thị trường Mỹ bị thu hẹp, là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thế chân hàng Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Việt Nam cũng có thêm cơ hội trong thu hút thêm đầu tư từ Hoa Kỳ.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến nguy cơ Việt Nam phải nhập siêu các loại nguyên liệu rất lớn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi xảy ra xung đột giữa hai nền kinh tế mà Việt Nam có giao dịch hàng hóa vào loại lớn nhất thế giới sẽ có những tác động tiêu cực đến sản xuất hàng hóa cũng như kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng thép và các sản phẩm dệt may.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Tuy nhiên, ngành này sẽ tiếp tục gặp khó từ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tự vệ thương mại các nước.

Nhưng thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong tháng 6/2018 tăng khá so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, so với tháng liền kề trước đó, sản xuất và bán hàng thép các loại đều giảm lần lượt là 1,25% và 14,9%.

Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 6/2018 đã giảm khá nhiều sau khi đạt mức bán hàng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây hồi tháng 5 vừa qua.

Ông Sưa cũng nhận định, thị trường thép toàn cầu tiếp tục được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro về các xung đột thương mại từ các chính sách. Đặc biệt, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với những phát sinh từ các khoản thuế tiếp tục bao quanh thị trường thép toàn cầu. Tác động của thuế nhập khẩu 25% của Mỹ và các biện pháp bảo vệ môi trường đang diễn ra ở Trung Quốc tác động mạnh đến sản lượng thép sản xuất cũng như xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với ngành dệt may, theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, trong năm 2018 này, ngành dệt may dự báo phải đối mặt với một số khó khăn như chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam...

Tuy nhiên, khả năng Hoa Kỳ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ...

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ có những tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành này. Dù chiến tranh giữa hai nền kinh tế đang khiến Mỹ tăng thuế nhập khẩu với hàng dệt may Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần sang Hoa Kỳ, song thực tế, nguy cơ Việt Nam phải nhập siêu các loại nguyên liệu từ Trung Quốc cũng sẽ rất lớn.

Bởi lẽ, khi Mỹ áp thuế cao lên các sản phẩm của Trung Quốc, nguy cơ hàng Trung Quốc quay đầu tìm thị trường khác để “đổ bộ” là hoàn toàn có thể. Trong khi từ trước đến nay, thị trường Việt Nam vẫn luôn là điểm nóng nhập khẩu hàng Trung Quốc thì đây tiếp tục là cơ hội để hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam, đẩy nguy cơ nhập siêu từ nước này lên cao.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn trong khi Mỹ và Trung Quốc là hai nước có kim ngạch xuất - nhập khẩu lớn với Việt Nam. Do vậy, một trong những tác động tiêu cực lớn nhất từ xung đột thương mại này chính là nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt, hơn trước kia nhiều lần.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, khi Mỹ gần như đóng cửa với hàng hóa Trung Quốc, hàng hóa nước này sẽ tràn qua một thị trường khác, trong đó Việt Nam là thị trường có nhiều lợi thế. “Điều này sẽ đẩy nền kinh tế vào nguy cơ nhập siêu lớn và quay trở lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc - điều mà chúng ta đang lo lắng nhất”, ông Phương nhận định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lưu ý, Việt Nam đã áp thuế tự vệ với thép, phân bón, dệt may, đồ gỗ, da giày… nhưng việc Mỹ đánh thuế khiến hàng Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm này tràn vào Việt Nam.

Do đó, điều mà Việt Nam cần làm lúc này, theo ông Trần Tuấn Anh, là phải chủ động đứng vững trước những tác động tiêu cực từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc. Việt Nam cần phải tận dụng bằng được những cơ hội từ cuộc xung đột này để bứt phá. Một trong những giải pháp được đó là cần có chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế tư nhân phát triển, để doanh nghiệp trong nước mạnh lên.

Theo VOV