Con số 9% này thấp hơn năm 2011 (11,1%) và thấp hơn năm 2012 (9,7%). Riêng trong năm 2013, trước bối cảnh những khó khăn chung của thế giới, khu vực và tình hình trong nước, cộng với những tác động phát sinh do thiên tai, bão lũ, tốc độ tăng trưởng GDP của Thừa Thiên Huế chỉ đạt 7,89%. Đặt trong mối tương quan chung (mức tăng trưởng của cả nước khoảng 5,4%; ở một số tỉnh, thành phố khác trong khu vực như Đà Nẵng 7,7%; Khánh Hoà 7,3%, Bình Định 8%, Phú Yên 8,1%, Quảng Ngãi 11,5%, Quảng Trị 6,6%, Quảng Bình 6,8%...), chỉ số tăng trưởng GDP năm 2013 vẫn được đánh giá là hợp lý và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, con số này cũng đồng thời chuyển tải một thông điệp là việc phấn đấu đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2014 cũng không kém phần nan giải, bao gồm trong đó đầy đủ các yếu tố của thiên thời, địa lợi và nhân hoà.
 
Cùng với việc tiếp tục phát huy sự tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực như tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2013 đạt 13.700 tỷ đồng, tăng 9,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2 (cả nước 5,5%); dịch vụ du lịch (tăng 10,79%); tổng mức đầu tư FDI tăng 31,7 lần so với 2012 với tổng mức đầu tư 293,73 triệu USD... chỉ số tăng trưởng GDP của năm 2014 đã được xây dựng dựa trên cơ sở ổn định, duy trì và phát triển ở khối doanh nghiệp khi giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2013 đạt 422 triệu USD, tăng gần 20% và khu vực này đóng góp 55,4% trong thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trong đó nổi bật ở một số nhóm ngành nghề chủ yếu như bia, thuỷ sản đông lạnh, bán lẻ và doanh thu dịch vụ du lịch...
 
Bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị và các giải pháp khác trong chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực và hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước... là các giải pháp có tác động trực tiếp đến tăng trưởng GDP bao gồm tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị (ưu tiên hạ tầng cho giao thông và đô thị); tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển và mở rộng thị trường; khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của vùng đất văn hoá, di sản và phát triển nông nghiệp toàn diện và xây dựng nông thôn mới.
 
9% chỉ là mức phấn đấu tăng trưởng GDP trong năm 2014, nhưng cũng cần phải xác định, đây là những nỗ lực quan trọng không chỉ cho 1 năm khi sự tăng trưởng GDP không chỉ là một trong những chỉ số cơ bản nhất mà còn là một yếu tố rất quan trọng được xem xét đối với những kế hoạch đầu tư dài hạn.
Hạnh Nhi