Tác giả trong ngôi miếu được người dân ấp Tư, Mỹ Thủy bí mật dựng lên trong chiến tranh (sau giải phóng được nâng cấp) để thờ cúng 27 liệt sĩ.

Ký ức hào hùng

Trước khi đưa quân ồ ạt vào miền Nam, Mỹ tiến hành xây dựng một loạt căn cứ quân sự, trong đó có Phú Bài. Do Mỹ Thủy chỉ cách Phú Bài khoảng 5 cây số về phía bắc và Dương Hòa chừng 10 cây số về phía tây, nên để ngăn chặn quân Giải phóng xâm nhập, địch liên tục tuần tra, phục kích.

Đêm 6/1/1965, Quân khu Trị Thiên lệnh cho đại đội 3, tiểu đoàn 802, do ông Võ Đại An (quê ở Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) làm đại đội trưởng (hy sinh năm 1969), tiến đánh Chi khu quân sự Hương Thủy. Theo đại tá Vũ Đức Hộ, nguyên Chính ủy trung đoàn 6 Phú Xuân và là một chiến sĩ của đại đội 3, sau khi đánh Chi khu quân sự Hương Thủy, đêm 6/1/1965, đại đội 3 rút quân lên ấp Tư, xã Mỹ Thủy.

Biết thế nào địch cũng phản kích, đại đội trưởng Võ Đại An bàn với Huyện đội trưởng Hương Thủy Phùng Hữu Yên (Xuân) kế hoạch đối phó. Đúng như dự đoán, sáng 7/1/1965, đại đội địa phương quân địch hùng hổ tiến vào thôn Đồng Lực (ấp Tư) thì bị kìm chân. Bộ đội chủ lực, địa phương cùng du kích Mỹ Thủy nhanh chóng triển khai đội hình. Khi chúng kéo quân qua vườn ông Thủ Lực, quân Giải phóng nổ súng tiêu diệt.

Buổi chiều, địch huy động 2 tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng, được máy bay và pháo binh yểm trợ tiến vào Mỹ Thủy nhằm giải vây. Thế nhưng, khi những chiếc GMC và DOG chở quân chi viện đến gần khu vực Trường THPT Hương Thủy hiện nay thì gặp mìn. Các thôn Đồng Lực, Đồng Tâm và Đồng Tiến trở thành chiến địa. Ban chỉ huy đại đội lệnh cho các trung đội 2, 3 và 4 bí mật rút lui, chỉ để lại trung đội 1 bộ binh, do đại đội phó kiêm trung đội trưởng Trần Văn Hiển (quê ở Hà Tĩnh) chỉ huy, có nhiệm vụ cầm chân địch. Trung đội 1 chọn khu vực đồi Hố Tràm ở cuối ấp Tư (thôn Đồng Lực) làm chốt chặn. Thế trận giằng co. Bộ binh bị đẩy lùi, địch buộc phải dùng xe tăng tấn chiếm. Khi xe bò lên cao điểm, lọt vào tầm ngắm, xạ thủ ta kích hoạt nhưng cả 2 khẩu chống tăng B90 đều không khai hỏa.

Cựu chiến binh Đại đội 3, Tiểu đoàn 802, Quân khu Trị Thiên- đại tá Vũ Đức Hộ

Thời điểm đó, ta chưa có B40 nên phải dùng B90 tự chế. Muốn khai hỏa, phải dùng pin kích hoạt. Trong thế trận bị chia cắt và bao vây, trung đội 1 buộc phải lựa chọn, hoặc đầu hàng, hoặc đánh đến cùng dù phải hy sinh. Họ chọn phương án đánh. Khi súng không còn đạn, nhiều chiến sĩ xông đến đánh “giáp lá cà” hay dùng  lưỡi lê súng CKC cạy nắp xe tăng ném lựu đạn, thủ pháo diệt địch. Chiến sĩ Dương Đình Đệ và nhiều chiến sĩ khác, dù quần áo bị cháy vẫn chịu đựng để cùng đồng đội chiến đấu. Cuối cùng, mặt trận im tiếng súng, 27 cán bộ và chiến sĩ của trung đội 1 lần lượt hy sinh.

Biểu tượng của lòng yêu nước

Hôm sau, địch tập kết thi thể 27 liệt sĩ về một bãi đất ven đường nằm trên đồi Hố Tràm ở cuối ấp Tư. Chúng phơi xác các anh để thị uy và răn đe. Cổ súy cho hành động bất nhân này là truyền đơn và loa phóng thanh: “Ai về Đồng Tiến mà coi. Hàng trăm xác Cọng phơi thây đầy đường”. Trên thực tế, xác 27 liệt sĩ bị đem phơi ở cuối ấp Tư, tức thôn Đồng Lực, chứ không phải Đồng Tiến và số lượng chỉ có 27 người.

Ông Nguyễn Văn Sáu, nhà ở ấp Tư cho biết, trước hành vi tàn ác của kẻ thù, bố ông là cụ Nguyễn Văn Đương, một cơ sở cách mạng, thông qua Bí thư chi bộ Mỹ Thủy (hoạt động bí mật) thời đó là ông Nguyễn Văn Thanh đã bàn bạc với đội ngũ cốt cán trong ấp vận động Nhân dân đấu tranh. Sau 3 ngày tổ chức “triển lãm”, địch buộc phải nhượng bộ. Chứng  kiến những liệt sĩ nằm la liệt, các mẹ và các chị ở ấp Tư không cầm được nước mắt.

Tranh thủ buổi chợ, họ tiến hành vận động. Chị em tiểu  thương chợ Hôm đã chung tay người góp tiền mua chiếu, hương, hoa… hỗ trợ  nhân dân ấp Tư chăm lo “hậu sự” cho 27 liệt sĩ. Không biết danh tánh, sau khi an táng, người dân ấp Tư dùng gạch, đá khắc ghi lại đặc điểm nhân dạng từng người và bí mật chôn trong từng ngôi mộ với hy vọng, sau này nước nhà thống nhất, thân nhân của liệt sĩ có thể căn cứ vào đó mà tìm kiếm, cất bốc.

Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng các cụ trong ấp thống nhất phải lập một miếu thờ và hằng năm, đến ngày mồng bốn tháng Chạp âm  lịch tìm cách cúng, kỵ (giỗ). Thuở ấy, vùng gò đồi phía tây ấp Tư đạn bom cày xới đã khá nhiều. Những đồi tràm, đồi sim không còn xanh tốt như xưa. Cân nhắc, cuối cùng các cụ tìm được một lùm cây, nằm lúp xúp, cách trận địa mà 27 liệt sĩ ngã xuống chừng 300 mét để bí mật dựng lên đó một miếu thờ. Ngày rằm và mồng một, phân công nhau hương khói.

Mồng 4 tháng Chạp Bính Ngọ 1966, ngày giỗ đầu của 27 liệt sĩ. Do phải tập trung đối phó với phong trào đấu tranh đô thị ở Huế nên địch nới lỏng lùng sục, việc cúng kỵ diễn ra suôn sẻ. Những năm sau đó, trước sự kiểm soát gắt gao của địch, các cụ bàn đến tháng Chạp âm lịch hễ nhà nào có kỵ (giỗ) người thân thì sắm thêm một mâm, mang ra miếu cúng cho 27 liệt sĩ. Trên đường đi, nếu bị phát hiện, cứ trả lời mang lễ vật cúng cho người thân và nếu truy mộ ở đâu thì cứ chỉ đại, ở ngoài rú. Tránh bị địch phát hiện, gây khó dễ, khi cúng các cụ đều cử người cảnh giới.

Ngôi miếu bí mật ấy tồn tại cho đến nay. Năm 2008, mặc dù Hội Cựu chiến binh đại đội 3, Hội Cựu chiến binh Hương Thủy, Hội Trường Sơn và Nhân dân Thủy Phương chung tay đóng góp xây dựng ngay trên đồi Hố Tràm (nơi 27 liệt sĩ hy sinh) một ngôi đền mới có nhà bia để thân nhân, đồng đội tiện phúng viếng và có nơi tổ chức hiệp kỵ nhưng tại ngôi miếu cũ, người dân ấp Tư hàng tháng vẫn đều đặn cử người chăm lo hương khói, là nơi Nhân dân gửi gắm niềm tin và nguyện sắt son một lòng đi theo cách mạng.

Phạm Hữu Thu