Tôi nghe, mà không để ý đến tất thảy, ngoài niềm vui là thấy con đã hòa đồng vào môi trường mới. Thấy mắt con long lanh và biết mọi thứ đều ổn.

Rồi tôi đã một thoáng sững sờ khi một bữa trưa, trước giờ đến lớp, môi con gái tươi hơn bình thường. Khi quay lại vì ngạc nhiên với một câu hỏi “Con đánh son à?”, con gái đã ngượng nghịu “Một chút thôi mà mẹ. Lớp con toàn thế!”. Đương nhiên là tối đó, ba mẹ con đã có một buổi trò chuyện nghiêm túc với nhau. Tôi, cũng đương nhiên là nói về việc chính là học và có những người bạn tốt. Nói về việc cuộc sống bên ngoài gia đình và nhà trường bây giờ có nhiều thứ cám dỗ mà nếu không biết nhận thức hay thiếu khuôn phép, tuổi teen của các con dễ bị dẫn dắt vào những điều không hay; về giờ giấc và những quy định của gia đình. Đương nhiên là tôi cũng kể vào cái thời ấy, khi bằng tuổi con, mẹ còn thiếu áo quần để đến lớp và sau mỗi buổi học còn phải lặn lội trên cánh đồng An Cựu để phụ bà ngoại kiếm rau về nuôi heo…

Khi đó, cô em yên lặng. Có lẽ không dám nói gì. Cô chị, lúc đó đã tốt nghiệp đại học nói bằng giọng đã trở nên nghiêm túc hơn ngày thường: mẹ cứ lo quá, chứ dùng chút son khi đến trường có gì là ghê gớm mô. Với lại hồi trước mẹ không để ý kỹ thôi, chứ con cũng dùng son môi đó. Vô phổ thông trung học đứa con gái mô cũng biết phải có chút son cho môi đẹp. Chỉ là đừng quá lạm dụng đến mức lúc nào cũng phải có và chọn tông không chính xác thôi. Con biết mẹ lo, nhưng chuyện ngày xưa của mẹ là ký ức rồi, đẹp nhưng khác chừ mà mẹ…

Tôi đã im lặng một lúc. Phần vì biết các con bây giờ đã sống khác, nghĩ khác và có những nỗ lực khác. Phần vì biết, có lẽ mình đã có nhiều khi vì bộn bề công việc hàng ngày đã không thực sự quan tâm đến con gái nhiều hơn có thể. Và cũng vì, dù là những người hoạt động ở lĩnh vực xã hội, nhưng tôi vẫn chưa thấu hiểu hết nhịp sống của những người trẻ, mối quan tâm của những người trẻ hay nói một cách khác đi, luôn coi con cái là nhỏ và phải ở trong sự bao bọc của mình.

Đôi môi đỏ của con gái chỉ là một chuyện nhỏ nhưng nó cũng làm tôi nghĩ về những điều khác và dặn lòng phải làm thế nào để làm mẹ và làm bạn với các con tốt hơn. Cũng từ ngày đó, tôi biết thay vì giật mình, thay vì lo âu, mình cần “tương tác” với con tốt hơn để đưa mọi thứ vào trạng thái cân bằng, như một cách dõi theo và điều chỉnh khi cần phải điều chỉnh...

An Lê