Một góc Vạn Niên. Ảnh: HA

Cách đây gần 15 năm, hai vợ chồng anh Hoàng Trọng Tánh rời gia đình ở khu vực Đông Phước (phường Thủy Biều) di cư lên khu vực bến Vạn Niên. Chồng làm nghề xe ôm, vợ bán giải khát phục vụ du khách ghé bến thuyền tạm Vạn Niên lên tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, làng làm hương trầm. Thời gian đầu, khách đến rất đông, gần 10 người lái xe ôm và bán hàng giải khát, lưu niệm ở đây sống khỏe. Anh Tánh nhớ lại: “Cũng nhờ bến Vạn Niên tự phát đã nuôi sống dân cư ở đây rất nhiều. Cánh lái xe ôm như tụi tui ở đây toàn là dân đi trầm về, không có nghề nghiệp gì nên lấy xe ôm làm kế sinh nhai. Tuy nhiên chỉ được vài ba năm thôi, sông Hương đoạn này bị sạt lở, bến thuyền tạm bằng đất nên sau mỗi mùa mưa lũ, bờ sông bị lún sâu nhiều hơn và bến thuyền đã dần mất đi, khách ngại không đến vì thiếu an toàn”.

Theo tìm hiểu, số người lái xe ôm ở đây giờ đã chuyển việc khác, người thì trông giữ xe thuê ở bệnh viện, người thì đi phụ thợ hồ, người đi sơn nước… Nói chung, cuộc sống của họ dần ổn định sau bao thăng trầm khi bến thuyền tạm Vạn Niên đóng cửa. Nhiều cư dân từng sinh sống dựa vào bến Vạn Niên tiếc nuối: “Nếu khách đi thuyền rồng trên sông Hương, muốn lên thăm lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh hay làng làm hương trầm Thủy Xuân thì quá gần, từ bến thuyền Vạn Niên lên chỉ tầm 600 – 700m. Không có bến thuyền xây dựng kiên cố, mà chỉ bến thuyền tạm, nền và bậc cấp bằng đất thì sạt lở. Thời gian dần trôi, khách ngại đến nên chúng tôi cũng mất việc theo”.

Theo quan sát của tôi, nếu ở đây tỉnh nghiên cứu để nếu hội đủ điều kiện, có thể mở một bến thuyền du lịch Vạn Niên kiên cố, đồng thời mở rộng đường giao thông thì sẽ đón lượng khách đến tham quan các điểm di tích này rất nhiều, bởi lâu nay ở đây đã có đường bằng bê tông dẫn từ đường Huyền Trân Công Chúa vào đến đây rồi, chỉ thiếu bến thuyền. Khi lượng khách tham quan đến đông sẽ thúc đẩy khu vực này phát triển, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Thảng Lang