Xe chưa dừng hẳn, phía trước đã xuất hiện mấy người vội vã chạy tới. Cánh cửa mở ra, cũng là lúc những cái đầu thò vào. “Tôi chị áo trắng nghe”. “Tôi anh áo sọc”…Các bác xe ôm nhanh miệng xí phần khách khi họ chưa kịp bước xuống xe. Nhưng câu trả lời là những cái lắc đầu.

Loáng một cái, lại vắng vẻ khi những chiếc xe đón người thân rời ga. Một vài vị khách còn lại cũng đã yên vị trên taxi.  “Chị làm ơn đi cho tôi” - bác  xe ôm cuối cùng  kiên trì năn nỉ. Thấy khách miễn cưỡng gật, bác lanh lẹ hẳn, chạy thoăn thoắt đến chỗ để xe.

“Chị đợi cho tý”, bác dặn rồi leo lên xe, đạp mạnh. Chiếc xe hỏng đề, đạp gần chục dạo mới nổ. Trong bóng tối nhấp nhem, không rõ chiếc xe của bác cũ đến mức nào. Chỉ nghe tiếng máy như xay gạo. Qua những đoạn đường xóc, chiếc xe nảy lên như cưỡi ngựa. Sợ khách than phiền, bác đùa: Người có tuổi rồi chân tay cũng đau nhức, huống chi xe.

Bác đã làm nghề xe ôm mấy mươi năm, có thể gọi là chuyên nghiệp. ‘‘Thời trước, có được chiếc xe như ri mô có dễ. Cả gia tài đó chị. Cái xe mua lại, không còn mới nhưng thời nớ, chủ yếu là đi xe thồ, xích  lô, mần chi có xe ôm. Đời sống phát triển quá. Mới đó mà giờ người ta toàn đi ô-tô” - bác xởi lởi, như thể kỷ niệm làm bác quên đi hiện tại. Nghe ra thì với nghề xe ôm cần mẫn, bác cũng lo được cho mấy đứa con học nghề, nay cũng đã có việc làm, dù chỉ đủ sống.

“Chừ khó lắm. Tranh không lại. Người ta đi taxi, rồi Grap nữa. Nói thiệt với chị, cả ngày ni, chị là khách đầu tiên. Nản lắm nhưng phải ráng. Con cái tự lo cho nó chưa xong, làm răng nuôi cha mẹ già’’-bác xe ôm thủ thỉ trước khi trả khách, về chuyện vì sao đã có tuổi, vẫn bám nghề. 

Đọc báo, nghe cánh xe ôm truyền thống phản đối cánh xe ôm Grap tự tung tự tác đậu đỗ, đón khách dẫn đến đẩu đả càng thấm thía nỗi vất vả của những cuốc xe ôm may rủi khi chiều muộn…

Minh Quân