Được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 26 triệu đồng, cơ sở sản xuất bún Lê Lai đã đầu tư thêm 35 triệu đồng trang bị máy sản xuất bún liên hoàn để nâng cao năng suất và chất lượng bún

Làng nghề Ô Sa ở xã Quảng Vinh hiện có trên 35 hộ tham gia làm bún tươi, bún khô và bánh ướt. Trong đó, bún tươi là nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm và ngày càng phát triển với số lượng sản xuất mỗi ngày trên dưới 1 tấn bún. Tuy nhiên, do sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên các cơ sở này chủ yếu sản xuất thủ công với công suất nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề cũng như đưa nghề sản xuất bún hội nhập với các ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã hỗ trợ một phần kinh phí cho cơ sở sản xuất bún Lê Lai đầu tư thiết bị máy móc hiện đại sản xuất bún.

Chủ cơ sở, ông Lê Lai cho biết, hệ thống thiết bị máy móc có tổng kinh phí hơn 60 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 26 triệu đồng. Sau khi đưa vào hoạt động, máy sản xuất bún liên hoàn không chỉ giúp cho cơ sở tiết kiệm công sức và thời gian, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giúp các cơ sở sản xuất bún trên địa bàn xã giải phóng sức lao động và sản xuất số lượng lớn.

Tại Cụm công nghiệp Bắc An Gia, thị trấn Sịa, Cơ sở xay xát gạo Nguyễn Tùng vừa đưa vào vận hành máy đánh bóng gạo do nguồn vốn KC hỗ trợ. Với tổng mức đầu tư 225 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 85 triệu đồng, máy có công suất đánh bóng 30 tấn gạo/tháng.

Theo ông Nguyễn Tùng, sau khi đưa máy đánh bóng gạo vào hoạt động, chất lượng gạo được cải thiện đáng kể. Gạo trắng bóng và bảo quản lâu hơn so với gạo chưa được đánh bóng nên được nhiều đối tác ưa chuộng. Cơ sở đang nỗ lực để từng bước xây dựng thương hiệu gạo Quảng Điền nhằm tạo chỗ đứng trên thị trường. Nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn KC, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư thêm để có thể ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến sản xuất xay xát lúa gạo phục cụ nhu cầu người dân địa phương và cung ứng gạo cho các thị trường trong nước. Hiện, thiết bị đi vào hoạt động ổn định, nâng cao năng lực sản xuất của cơ sở; mỗi ngày cơ sở xay khoảng 20 tấn lúa và đang đầu tư 2 tỷ đồng để dự trữ lúa.

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo cho rằng, từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn KC tỉnh hỗ trợ cho các cơ sở, làng nghề trên địa bàn huyện trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều ngành nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở Quảng Điền đã được vực dậy và phát triển, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điển hình như nghề mây tre đan truyền thống của HTX Bao La ở xã Quảng Phú, HTX Thủy Lập xã Quảng Lợi, làng nghề bún Ô Sa, làng nghề nước mắm Tân Thành Quảng Công… Dù giá trị hỗ trợ của nguồn vốn KC dành cho các cơ sở không lớn nhưng đây là sự tiếp sức bước đầu có hiệu quả, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề có điều kiện phát triển, đồng thời huy động nguồn vốn đối ứng để đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: Thanh Hương