Điều dưỡng viên tại một viện dưỡng lão ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei

Bước đầu, Nhật Bản có kế hoạch tiếp nhận 3.000 điều dưỡng viên trong vòng một năm; trong đó, Tokyo sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo ngôn ngữ. Sau đó, việc tiếp nhận sẽ được mở rộng đến 10.000 người trong 2 năm.

Ngày 24/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị nội các bắt đầu thu xếp để tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn vào quốc gia này. Tokyo cũng đang nỗ lực để thiết lập các mục tiêu tương tự đối với Indonesia, Campuchia và Lào.

Nhật Bản và Việt Nam dự kiến ​​sẽ ký kết một biên bản ghi nhớ sớm nhất trong năm nay. Đây được xem là một phần của sáng kiến "Sức khỏe và Hạnh phúc Con người châu Á", một chương trình của Chính phủ Nhật Bản nhằm cung cấp kiến ​​thức và chuyên môn của Nhật Bản về chăm sóc điều dưỡng và phúc lợi xã hội cho các xã hội đang già hoá ở khu vực châu Á.

Trước đó hồi tháng 11 năm ngoái, Nhật Bản đã bắt đầu tiếp nhận người lao động Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng, theo một chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật mở rộng.

Những người nói được tiếng Nhật giao tiếp có thể được phép cư trú ở nước này đến 5 năm. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ xây dựng một chương trình mới để cho phép những người hoàn thành khóa đào tạo kỹ thuật ở lại thêm 5 năm nữa.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, quốc gia này đã thiếu 40.000 nhân viên chăm sóc sức khoẻ trong năm 2015. Sau khi nhận thêm 10.000 lao động, Nhật Bản vẫn thiếu hơn 30.000 nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Đáng chú ý, sự thiếu hụt này dự kiến ​​sẽ tăng trở lại, lên đến 790.000 người đến năm 2035.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei)