Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người có công với cách mạng đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh ngày 25/7. Ảnh: TB

 

Tiếp nhận, giải quyết trên 37.000 hồ sơ

Pháp lệnh 04 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Pháp lệnh 04) sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ 9/2012, đã tạo thuận lợi cho việc cải thiện, ổn định đời sống người có công cả về vật chất lẫn tinh thần, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những hy sinh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của các anh hùng, liệt sĩ, người có công (NCC).

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay: “Giai đoạn 2013-2017, công tác tổ chức thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC, đưa chính sách ưu đãi, chăm sóc NCC đến với người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đến nay, có trên 99% gia đình có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng”.

Mở rộng thêm nhiều điều kiện xác nhận đối tượng và nhiều chế độ mới đối với NCC và thân nhân theo Pháp lệnh 04, khối lượng công việc từ hướng dẫn, thụ lý, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận NCC và hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ NCC rất lớn. Hàng năm, toàn tỉnh có trên 7.000 hồ sơ, thời gian cao điểm như năm 2014 đã tiếp nhận trên 15.000 hồ sơ các loại. Qua 5 năm thực hiện pháp lệnh, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận, giải quyết trên 37.000 hồ sơ.

Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng qua quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những vướng mắc, hạn chế. Ông Hồ Dần cho biết thêm: “Một số nội dung của pháp lệnh chưa có quy định hoặc có quy định nhưng cần có văn bản hướng dẫn thực hiện, như điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công, các chế độ đối với người có công, việc đính chính, bổ sung thông tin…”. Chẳng hạn, nhiều hồ sơ đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày thể hiện nơi bị tù, đày hoặc nơi bị tù, đày không nằm trong danh mục nhà tù do Bộ LĐ-TB&XH quy định. Do đó, đối với quy định trên cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tế và đảm bảo người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đều được hưởng chế độ như nhau.

Tặng quà cho gia đình chính sách

Cán bộ cấp huyện chỉ có một người phụ trách lĩnh vực ưu đãi NCC, khối lượng công việc nhiều nên việc thẩm định hồ sơ có khi chưa kỹ. Việc quản lý hồ sơ, cập nhật dữ liệu chưa hoàn chỉnh, chưa có thời gian để nghiên cứu, nắm bắt kịp thời các văn bản, quy định về chế độ chính sách. Cán bộ cấp xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, một số nơi còn hạn chế về trình độ, năng lực, làm theo kinh nghiệm và hay thay đổi đã ảnh hưởng đến thời hạn và chất lượng giải quyết hồ sơ. Việc hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ tại cấp xã chưa chặt chẽ; quản lý, lưu trữ sổ sách, hồ sơ chưa nề nếp; nắm bắt chế độ chính sách, hướng dẫn thủ tục, chế độ ưu đãi NCC có khi chưa đầy đủ; chưa kịp thời báo cáo, xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện... là những khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ NCC.

Giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng

Mới đây, trong hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho rằng, tuy đã thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhưng chúng ta chưa thể yên lòng khi vẫn còn những NCC với cách mạng chưa được công nhận, không ít gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhà cửa chưa ổn định, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, hoặc chưa xác định được danh tính... Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, cán bộ các cấp phải rà soát và hỗ trợ tối đa trong việc làm hồ sơ cho đối tượng chính sách, giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng nhằm đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách cho NCC đầy đủ, đúng đối tượng theo quy định.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu giải quyết dứt điểm hồ sơ NCC còn tồn đọng trong năm nay. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng số hóa hồ sơ, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin... trong việc giải quyết chính sách đối với NCC.

UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh 04 để đề nghị cấp có thẩm quyền hoặc Bộ sửa đổi, bổ sung, như: Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ, định mức biên chế đối với cán bộ, công chức làm công tác NCC, quy định đào tạo nghiệp vụ cán bộ, công chức làm công tác NCC ở các cấp và đơn vị liên quan. Bổ sung quy định về điều kiện, thủ tục công nhận liệt sĩ đối với liệt sĩ có tên trong danh sách bia ghi danh tại nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ của địa phương nhưng chưa được công nhận. Mở rộng diện hồ sơ được xem xét, xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tại Quyết định 408 của Bộ LĐ-TB&XH để giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với các hồ sơ đang lưu ở cấp huyện, cấp xã trước ngày 1/7/2013...

Minh Hiền