Trẻ em khuyết tật ở thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: UNICEF

Tờ Devdiscourse ngày 25/7 dẫn lời ông Achim Steiner cho hay, các cá nhân và xã hội có thể đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận và có tiếng nói bình đẳng trong xã hội, để họ có thể nhận ra tiềm năng đầy đủ nhất của bản thân.

Người khuyết tật chiếm 15% dân số thế giới, tương đương với 1 tỷ người. Nhiều người trong số họ liên tục bị gạt khỏi tiến trình phát triển, và trong các cuộc khủng hoảng hoặc thiên tai, họ chịu ảnh hưởng không cân xứng. Ngoài ra, thái độ phân biệt đối xử cũng hạn chế sự tham gia đầy đủ của họ vào xã hội và góp phần vào sự bất bình đẳng gia tăng.

Trước đó vào năm 2006, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc (LHQ) đã thông qua Công ước về Quyền của Người khuyết tật, trở thành công ước được phê chuẩn nhanh nhất trên thế giới.

“Công ước này cho thấy các quốc gia có thể làm việc với nhau về một vấn đề và tạo ra sự thay đổi nhanh chóng như thế nào”, Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh.

Trong một động thái khác, ông Achim Steiner lưu ý: “Tại LHQ, chúng tôi cam kết hỗ trợ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật trên khắp thế giới. Trong hoạt động nhân đạo, chúng tôi cố gắng đảm bảo người khuyết tật nhận được cứu trợ và bảo vệ”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Devdiscourse & UN News)