Đang câu chuyện, bỗng Bí thư ra hiệu xin lỗi tôi để giải quyết “chuyện nhỏ chút xíu”. Anh lấy điện thoại gọi cho một cán bộ văn phòng. Nội dung cuộc gọi: “Có một người đàn ông mặc quần cộc lôi thôi, đầu không đội mũ bảo hiểm chạy xe máy vào trụ sở. Cậu tiếp cận giải thích để họ rõ, cán bộ ủy ban sẽ không giao dịch khi công dân ăn mặc không nghiêm túc lịch sự. Cậu nhắc nhở luôn người đó cần đội mũ bảo hiểm, chấp hành pháp Luật Giao thông. Yêu cầu người đó về nhà thay trang phục rồi trở lại giao dịch nhé”. Với chút tò mò, tôi “theo dõi” thì thấy người đàn ông vui vẻ ra về thay trang phục, đội mũ bảo hiểm trở lại trụ sở ủy ban.

Nhân câu chuyện, Bí thư Đảng ủy xã kể, đã có nhiều trường hợp người dân địa phương đến giao dịch trong trang phục luộm thuộm và không đội mũ bảo hiểm như nêu trên. Những lúc như vậy, cán bộ ủy ban giải thích để họ hiểu, đồng thời chỉ dẫn họ đến đọc kỹ bảng nội quy ngay trước khu vực giao dịch. Trước lúc người dân về nhà thay trang phục, cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (thường là chứng thực, xác nhận…). Khi người dân chấp hành nghiêm túc trở lại trụ sở, hồ sơ đã quyết xong, họ không phải “tốn” thêm chút thời gian nào nữa.

Bí thư Đảng ủy xã cho hay, những người được nhắc nhở thường giải thích phân bua, vì là “con dân” trong xã, nhà gần trụ sở ủy ban, cảm thấy “thân thuộc” nên mang tâm lý xuề xòa. Đôi khi họ “năn nỉ” cán bộ ủy ban thông cảm, “cho qua” lần này, thực hiện giao dịch luôn cho… tiện, lần sau sẽ rút kinh nghiệm. “Mình thông cảm và hiểu tâm lý của bà con, nhưng không thể biến “cái tiện” (như bà con nghĩ) thành tùy tiện. Dứt khoát giải thích và nghiêm túc yêu cầu bà con sửa ngay. Chúng tôi luôn quán triệt, khi giải thích và yêu cầu bà con chấp hành, lời nói, thái độ của cán bộ ủy ban phải nhẹ nhàng, lịch sự. Chính vì vậy, những người được nhắc nhở, ai nấy đều vui vẻ chấp hành, không có lặp lại lần sau”.

Đó là một cách tuyên truyền hiệu quả nhất để bà con thay đổi nhận thức, có ý thức trong chấp hành nội quy, pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh.

Quỳnh Anh