Ca Huế, là môn nghệ thuật có thể làm sinh động thêm cho bảo tàng

Chưa “sáng”

Cuối năm năm 2016, đề án xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật trên tuyến đường Lê Lợi được Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện. Đến trước Festival Huế 2018, không gian đã vận hành khi Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (trước đây là Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị) chính thức đưa vào khai thác. Nhờ thế, trục đường Lê Lợi từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền đã trở thành “phố” bảo tàng như giới du lịch thông tin cho du khách, gồm: Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, Bảo tàng thêu XQ Cổ độ và Bảo tàng Văn hóa Huế.

Hình thành không gian là bước đầu tiên, làm sao để thu hút khách du lịch đến các bảo tàng mới là mục tiêu quan trọng, nhằm hình thành sản phẩm du lịch và tăng thêm các dịch vụ phục vụ du khách về đêm.

Các bảo tàng hiện nay chủ yếu chỉ trưng bày, tổ chức triển lãm

Trung tuần tháng 7 vừa qua, khi ngang qua đường Lê Lợi, đoạn trước Trung tâm Điềm Phùng Thị, nghe được câu chuyện của một nhóm xích lô. Đại ý là “phố” bảo tàng đã hình thành, nhưng vào ban đêm tối quá. Bảo tàng nào cũng đóng cửa và du khách cũng ít đến vào ban đêm. Có người nói, lý do là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đang thi công, phải tạm dừng hoạt động, khách ít đến. Có bác tài lại nói, các bảo tàng đều đóng cửa, xung quanh chỉ bật những bóng đèn chỉ đủ thấy lối đi, thì làm sao khách đến vui chơi, ngắm cảnh.

Xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch “sáng và sống” là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh ưu tiên hàng đầu trong năm nay và các năm tiếp theo. Khu vực hai bên bờ sông Hương, nhất là ở phía Nam TP. Huế được cho là không gian quan trọng nhất phải được “sáng đèn”. Trong thời gian vài tháng sắp tới, khi tuyến đi bộ trên sông Hương được khai thác, khu vực “phố” bảo tàng chắc chắn sẽ tập trung nhiều du khách. Việc mở cửa vào ban đêm là điều phải làm, nếu không sẽ tự làm mất sức hút của không gian, mà như đánh giá của những người khó tính nhất, không chỉ trong nước mà cả thế giới sẽ ít nơi nào có được.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị cho biết, trong năm 2018, nhà trưng bày có phục vụ một số trải nghiệm sáng tác cho thiếu nhi trên địa bàn. Mở cửa về ban đêm lâu nay có thực hiện vào các ngày lễ. Riêng mở cửa thường xuyên cần có kế hoạch cụ thể, vì liên quan đến nhân sự, kinh phí hoạt động. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ có phương án và trước mắt có thể thí điểm vào các ngày cuối tuần.

Đó là “sáng đèn” theo nghĩa đen, còn về nghĩa bóng, sau khi bảo tàng đã mở cửa vào ban đêm, bảo tàng phải thật sự sáng. Bảo tàng mở cửa vào ban đêm phục vụ khách đã nhiều lần thực hiện, nhưng nếu chỉ vào tham quan các tác phẩm nghệ thuật không thôi là chưa đủ. Nhà thơ Võ Quê từng chia sẻ, sợ nhất khi các bảo tàng “chết”, tức là chỉ trưng bày các tác phẩm, du khách vào rồi ra nhưng không đọng lại chút gì. Bảo tàng “sáng” là cần có tính tương tác, du khách đến được trải nghiệm văn hóa.

Làm "sống" bảo tàng

Về khía cạnh nhu cầu của du khách, ngành du lịch thông tin, vào ban ngày, du khách ưu tiên cho việc tham quan di sản, do đó số lượng khách đến bảo tàng vào ban đêm nhiều hơn. Rõ ràng nếu các bảo tàng đủ sức hút, sẽ kéo khách ở lại thêm một đêm là rất khả thi, hơn thế, sẽ tạo được không gian sống động vào ban đêm, đúng nghĩa với thành phố du lịch.

Vấn đề đặt ra là, các bảo tàng đã sẵn sàng cho việc “sáng đèn”. Khi tăng thời gian mở cửa, phải tăng chất lượng, mở các dịch vụ tương tác. Nhà thơ Võ Quê chia sẻ, ông từng đi qua Hàn Quốc và vào một bảo tàng. Đó là một bảo tàng rất rộng lớn; trong đó, như một đất nước Hàn Quốc thu nhỏ. Tính tương tác được ưu tiên hàng đầu, mỗi khu vực, hay một chủ đề nào đó đều có trải nghiệm thực tế, vào đó có cảm giác không bị nhàm chán.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế góp ý, ông đã từng đến một hòn đảo ở nước Pháp, tham quan bảo tàng là một ngọn hải đăng cũ. Ở đây, họ biến những cái không thể thành có thể. Nhìn ngoài, bảo tàng chẳng có gì nổi bật. Nhưng khi bước vào là sự khác biệt, từ cổng vào hải đăng khoảng 100m, cách mấy mét là bảng thông tin với mốc thời gian làm thay đổi ngọn hải đăng này. Khi đọc thông tin đầu tiên sẽ muốn đọc mốc thứ hai và phải mất hết 30 phút mới đọc xong.

Ngọn hải đăng có diện tích rất nhỏ, không gian phía dưới dành để bán hàng lưu niệm. Du khách đi lên cầu thang, mỗi lần như thế khoảng 10 người. Cầu thang dừng lại, du khách vừa mới bước vào, cửa đóng lại, đèn tắt, sấm chớp nổi lên ầm ầm, bão táp pha với tiếng kêu cứu. Khoảng ít phút, tiếng sóng gió dần yên, màn hình nổi lên chiếu vùng đảo đó, có một nhân vật sống sót sau cơn bão được người dân nơi đây cứu và ông kể câu chuyện về cuộc đời. Cánh cửa thứ hai mở ra, người đàn ông này bắt đầu kể chuyện, giới thiệu câu hát ru con, bài hát truyền thống, cùng với đó là mô hình người đan lưới, làm nông, người bắt hàu hiện ra.

Qua căn phòng tiếp theo, người đàn ông giới thiệu một số làng nghề đặc trưng, như nghề chài lưới, nuôi hàu; đi qua phòng tiếp theo rộng hơn, có trải nghiệm làm các sản phẩm làng nghề truyền thống. Đến phòng cuối là giới thiệu tương lai của hòn đảo này, về phát triển về kinh tế, xã hội, những ngành nghề sẽ đầu tư phát triển, các dự án đang đầu tư và sắp được đầu tư… Sau khi ra, mọi người còn lên đỉnh hải đăng để chụp hình lưu niệm, mất khá nhiều thời gian vì mỗi lần như thế chỉ được vài người, nhưng ai cũng lên.

Cách kể câu chuyện rất cuốn hút, từ quá khứ đến tương lai như họ biết cách bố trí thời gian hợp lý, câu chuyện dẫn dắt hấp dẫn. Chỉ một ngọn hải đăng rất nhỏ nhưng chuyến tham quan mất một buổi sáng.

Nếu Huế cũng có những cách làm hay, sáng tạo thì hệ thống bảo tàng sẽ "sống" được và là sản phẩm du lịch không thể bỏ qua.

Bài, ảnh: Đức Quang