Theo một nghiên cứu đăng trên ấn phẩm Nature Climate Change, các đợt nóng ẩm kinh khủng kéo dài (gọi là các “sóng nhiệt”) như thế này sẽ ngày càng trầm trọng trong các thập kỷ tới và sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng cao trên nhiều vùng hơn của Trái Đất.

Bản đồ sóng nhiệt thế giới. Đồ họa: CNN

Các đợt sóng nhiệt cực đoan như thiêu như đốt thường được xem là một trong các tác động trực tiếp nhất của hiện tượng thay đổi khí hậu do chính con người gây ra.

Nghiên cứu nói trên dự báo: Vào năm 2100, cứ 3 trong 4 người trên Trái Đất sẽ phải chịu ít nhất 20 ngày nóng ẩm mỗi năm với mức độ nguy hiểm đến tính mạng, nếu như tình trạng xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục gia tăng với tốc độ như hiện nay. Tỷ lệ người bị ảnh hưởng hiện nay là 1 trong 3 người.

Theo nghiên cứu kể trên, ngay cả khi con người cắt giảm mạnh khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, như được vạch ra trong thỏa thuận khí hậu Paris, thì Trái Đất vẫn đối mặt với nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng ngày càng nhiều và nặng nề.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ - một trong các nước tạo ra nhiều khí thải nhất, ra khỏi Thỏa thuận Paris.

Camilo Mora, một giáo sư tại Đại học Hawaii và là một trong các tác giả của nghiên cứu nói trên, tỏ thái độ bi quan về các đợt sóng nhiệt.

Vì sao sóng nhiệt lại nguy hiểm chết người

Các cơn sóng nhiệt nguy hiểm ở chỗ cơ thể con người chỉ có thể hoạt động trong một phạm vi hẹp của thân nhiệt xấp xỉ 37 độ C.

Một đội nghiên cứu quốc tế, do ông Mora và Đại học Hawaii ở Manoa đứng đầu, đã phân tích hàng trăm cơn sóng nhiệt trong lịch sử để lượng hóa những điều kiện thời tiết nào thì gây ra nguy cơ tử vong cao nhất cho con người.

Sử dụng dữ liệu từ 783 đợt nắng nóng chết người tại 164 thành phố và 36 quốc gia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một ngưỡng chung mà tại đó nắng nóng có khả năng gây chết người.

Ngưỡng chết người này gắn với không chỉ nhiệt độ không khí mà còn cả độ ẩm tương đối. Cơ chế ra mồ hôi (để làm mát cơ thể) trở nên ít hiệu quả khi độ ẩm tương đối gia tăng làm không khí bão hòa hơi ẩm.

Nhóm nghiên cứu sử dụng ngưỡng này để phân biệt giữa sóng nhiệt chết người và không chết người được lưu lại trong các bút lục, và sử dụng nó cùng mô hình khí hậu (với các kịch bản khí thải nhà kính khác nhau) để dự đoán và phân tích tình hình sóng nhiệt trong tương lai

Ngưỡng tử thần các thập kỷ tới

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học nói trên cho phép chúng ta nhìn vào tương lai của bất cứ địa điểm nào trên Trái Đất để xem xem trung bình có bao nhiêu ngày trong năm sẽ vượt qua ngưỡng chết người mà nhóm đã xác định được.

Theo đó, thành phố New York (Mỹ) hiện có 2 ngày vượt ngưỡng, nhưng từ năm 2100, thành phố này sẽ có tới 50 ngày vượt ngưỡng mỗi năm.

Mora nói: Nếu loài người cố hết sức tuân thủ Thỏa thuận Paris thì chúng ta vẫn có tới gần nửa dân số bị ảnh hưởng. Nhưng nếu chúng ta buông xuôi thì có tới hơn 70% dân số bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt.

Nguy cơ cực cao tại các nước nhiệt đới

Khi toàn cầu ấm lên, các khu vực ở vĩ độ cao sẽ tăng nhiệt nhiều hơn khu vực nhiệt đới. Nhưng nghiên cứu trên chỉ ra rằng mối đe dọa chết người lớn hơn sẽ nằm ở khu vực nhiệt đới ẩm ướt hơn.

Theo nghiên cứu này, các nước nhiệt đới đã nóng sẵn và ẩm sẵn nên khu vực này sẽ chạm tới ngưỡng chết người của sóng nhiệt nhanh hơn. Đấy là chưa kể điều kiện kinh tế của nhiều nước nhiệt đới chưa tốt, khiến người dân ít được tiếp cận với hệ thống điều hòa không khí còn mạng lưới điện thì có nhiều vấn đề.

Tiến sĩ  Marshall Shepherd, giám đốc Chương trình Khoa học Khí quyển của Đại học Georgia, tuy không tham gia dự án nghiên cứu này nhưng đồng tình với các phát hiện của nghiên cứu.

Shepherd nói: Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác chỉ ra rằng biến đối khí hậu đứng đằng sau các đợt sóng nhiệt hiện nay.

Ngoài ra Shepherd còn lưu ý rằng chúng ta đang ít chú ý tới tác động của bản thân các thành phố lên mức độ khắc nghiệt của sóng nhiệt, thông qua “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Mà trên toàn cầu, loài người đang có xu hướng sống tập trung về các đô thị.

Theo VOV