Điều này là rất đáng mừng. Song nếu không tiên lượng được tình hình, không làm chủ được kỹ thuật, không ổn định được đầu ra cho sản phẩm, rất có thể một ngày nào đó sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Một khi đã như vậy, thì giá thanh trà không được kỳ vọng như nhiều người nghĩ.
Trong thời buổi mà hàng hóa lưu thông mạnh mẽ trên cả nước, thậm chí là khu vực, thế giới, việc không ổn định được thị trường đầu ra lại chứa đựng nhiều rủi ro. Bây giờ là lúc không phải chúng ta đưa ra thị trường cái gì chúng ta làm được mà phải đưa ra thị trường cái gì thị trường cần. Muốn làm ăn lớn phải hết sức thận trọng với bài toán này; trước khi muốn làm phải tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường…
Đối với thanh trà là một loại cây trồng lâu năm, một khi thị trường ứ đọng hoặc giá xuống thấp, thiệt hại có thể nhiều hơn đối với các loại cây trồng ngắn hạn. Trên bình diện cả nước không ít loại cây trồng đã rơi vào tình trạng này.
Muốn phát triển mạnh cây thanh trà trên địa bàn tỉnh, cần phải phân tích, đánh giá, tính toán rất kỹ ít nhất một số vấn đề sau:
Thứ nhất là thị trường: Theo một tính toán từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng cây thanh trà của toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 1.100 ha, trong đó diện tích chưa cho quả chiếm khoảng 5%. Sản lượng quả cho hàng năm dao động từ 450 – 500 tấn. Đây là một con số nhỏ hay lớn so với nhu cầu thị trường? Những năm gần đây, việc tiêu thụ là thuận lợi. Chưa có thông tin nào cho biết việc thanh trà Huế ứ đọng và rớt giá. Chính điều này dường như đã kích thích người nông dân trồng thanh trà nhiều hơn. Đã có thông tin cho biết, có những vùng không thuận lợi lắm cho cây thanh trà phát triển, người dân cũng đã trồng. Hiện tại là như vậy, song một khi thanh trà đạt diện tích khoảng 1.400 ha theo quy hoạch và cũng có thể, nó phát triển với một diện tích lớn hơn thế nữa, nghĩa là sản lượng thanh trà đưa ra thị trường ở mức cao nhất có thể đạt từ 600 – 630 tấn mỗi năm, liệu lúc đó thị trường tiêu thụ sẽ như thế nào? Rồi thanh trà có thể phải cạnh tranh với những loại cây trồng cùng chủng loại nào, chẳng hạn như cam, bưởi da xanh và nhiều loại bưởi trong cả nước. Mức độ cạnh tranh ra sao? Các ngành chức năng về quản lý nhà nước, về thị trường phải giúp cho người nông dân trả lời cho được câu hỏi này ở mức độ tốt nhất để phát triển một cách bền vững và giảm thiểu rủi ro.
Thứ hai: Thường các loại cây trồng khi sản xuất ở quy mô tập trung và thâm canh cao thì thường diễn ra các loại dịch bệnh. Một khi nó bị bệnh thì sự lây lan là rất lớn. Có nhiều loại bệnh như nấm, sâu đục thân, nhện… Lúc đó có thể sản lượng sẽ giảm, chất lượng không đảm bảo, chi phí bảo vệ thực vật lớn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Với quy mô 1.400 ha hoặc hơn thế nữa, có cần một trung tâm kỹ thuật chuyên sâu nghiên cứu để hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật và giúp người nông dân xử lý vấn đề dịch bệnh hay không cũng là vấn đề cần đặt ra?
Có một điều đáng mừng là dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng liên quan của tỉnh đã giúp một số địa phương trong công tác xây dựng thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu (thuộc quyền sở hữu trí tuệ). Nhãn hiệu thanh trà Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đây là một điều kiện để đưa thanh trà Huế ra khỏi thị trường ngoại tỉnh. Song muốn đi xa hơn nữa, chẳng hạn như hướng đến xuất khẩu thì có lẽ còn nhiều điều phải làm.
Lê Nguyễn