Bộ đội Biên phòng Đồn Hồng Vân tuyên truyền pháp luật cho dân. Ảnh: Quỳnh Anh

Cách đây 5 năm, khi chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp cũng có nhiều dư luận, tâm tư, phản biện, thậm chí chống đối quyết liệt một số điều, khoản nhưng chúng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền nên đã thông qua Hiến pháp một cách trọn vẹn. Bên cạnh khâu chuẩn bị chu đáo của cơ quan soạn thảo, những nội dung sửa đổi đã được thông tin đầy đủ, kịp thời, đưa ra toàn dân góp ý. Những băn khoăn ban đầu về một số nội dung như: tự do ngôn luận,  sở hữu đất đai, vai trò lãnh đạo của Đảng… đã được lý giải đầy đủ, có lý, có tình. Mặc dù cũng không ít nhóm người phản đối và sự chống phá quyết liệt của các tổ chức phản động bên ngoài, nhưng không thể thay thế cho ý chí của toàn dân về bản Hiến pháp 2013.

Gần đây, khi Quốc hội đang chuẩn bị thảo luận và thông qua Luật An ninh mạng và Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là Luật Đặc khu kinh tế) lại có những ý kiến trái chiều phản đối quyết liệt, phủ định toàn bộ hai nội dung trên. Nghiêm trọng hơn nữa là xuất hiện kêu gọi biểu tình trên phạm vi toàn quốc  nhằm tạo áp lực với Quốc hội trước khi thông qua luật. Nếu so sánh  tính chất quan trọng 2 luật này với Hiến pháp thì không thể bằng, nhưng tại sao lại xảy ra dư luận phản ứng nhiều như vậy? Lý giải đầy đủ có lẽ có nhiều vấn đề cần bàn khi mà đan xen giữa dư luận xã hội và âm mưu phá rối của các thế lực thù địch. Nhưng bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của các cơ quan có trách nhiệm chưa kịp thời và đầy đủ. Vào thời điểm đầu tháng 6/2018, chỉ trong khoảng một tuần đã xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội những thông tin phản đối về hai dự luật, nhiều nhất là dự thảo Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt. Người có hiểu biết có thể nhận ra hàng loạt bài viết, bình luận nhằm lợi dụng sự kiện để tạo ra dư luận phản đối. Nhưng không loại trừ âm mưu của các thế lực phản động bên ngoài coi đây như ngòi nổ để tạo ra bất ổn xã hội. Những "nhà dân chủ" chống đối lâu nay nhân cơ hội này lại “lên tiếng” mang danh phản biện để chống đối Nhà nước một cách quyết liệt  hơn. Bên cạnh đó, nhiều người dân thiếu hiểu biết rồi bình luận, chia sẻ thiếu khách quan về nội dung của các dự án luật. Nghiêm trọng nhất là đã xảy ra biểu tình ở một số địa phương, nguy hiểm hơn nữa là gây rối, bạo loạn xảy ra ở Bình Thuận.

Trong khi đó, phần lớn trong số đó chưa hề đọc văn bản luật,  chưa biết hết về lợi ích trên cơ sở khoa học và thực tiễn khi luật đi vào cuộc sống. Điều đó chính là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo văn bản, của cơ quan truyền thông. Trước khi đưa ra Quốc hội, đã có một số bài viết,  một số cuộc hội thảo được phát trên truyền hình nhưng cũng chỉ đề cập đến một số khía cạnh nhỏ,  một số nội dung chung mà chưa lý giải đầy đủ những nội dung có tính nhạy cảm. Liên quan đến một số nội dung trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt,  đã có nước cho thuê 99 năm,  có những nước làm có hiệu quả nhưng cũng có nơi thất bại,  có đặc khu cho làm cảng biển,  công nghệ cao nhưng cũng có nơi ưu tiên thu hút sòng bạc,  mại dâm…  Vậy thì với Việt Nam có luận chứng khoa học nào để đảm bảo thành công khi làm đặc khu? Vấn đề này cơ quan soạn thảo cần có thông tin trên cơ sở luận cứ khoa học để lý giải cho toàn dân hiểu và đồng thuận. Hay như Luật An ninh mạng, mặc dù Bộ Công an giải trình tương đối đầy đủ nhưng cũng  chưa làm cho người dân hiểu hết.  Luật dạng này không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước đã làm,  thậm chí còn khắt khe hơn chúng ta và đã có từ nhiều năm nay.

Luật An ninh mạng đã được thông qua. Dự thảo Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt dự kiến đưa ra trong kỳ họp tới của Quốc hội sẽ còn là những đề nóng trong dư luận.  Các thế lực thù địch sẽ tiếp tục lợi dụng những nội dung nhạy cảm để xuyên tạc chống phá quyết liệt hơn. Cần thiết lúc này là cần chỉ rõ lợi ích của các luật. Được biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có văn bản tuyên truyền nhưng cũng chỉ mới đưa ra những nội dung, định hướng chung. Theo chúng tôi, nên có những bài viết phân tích những nội dung mà dư luận phản đối nhiều nhất. Cần thiết lúc này là  những nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chính trị,  an ninh và những nhà quản lý giỏi về mạng có những bài viết lý giải thấu đáo,  khách quan về thuận lợi, khó khăn khi thực hiện luật. Các cơ quan truyền thông cần chuẩn bị thông tin sớm hơn và chú trọng đăng tải các bài viết,  báo cáo khoa học, nếu cần có thể đưa lên mạng xã hội để phân tích, bình luận, phản biện một cách chu đáo. Cũng cần phân biệt tranh luận công khai, phản biện mang tính xây dựng chứ không phải trưng cầu dân ý như một số ý kiến đề nghị.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH