Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Getty Images) |
“Đối với các công ty của Mỹ, người dân trên khắp thế giới biết rằng những gì bạn nhìn thấy là những gì bạn sẽ nhận được, đó là những hợp đồng với các điều khoản trung thực và không cần đến những ‘chiêu trò ngoài sách vở’”, ông Pompeo phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Phòng Thương mại Mỹ.
Ông khẳng định: “Đối với chúng tôi, Đạo luật thực tiễn tham nhũng nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act) không chỉ là một đạo luật mà là một niềm tự hào. Tính toàn vẹn của thực tiễn kinh doanh là một trụ cột quan trọng trong tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chúng tôi”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thường nhắc tới Trung Quốc như là đối thủ kinh tế hàng đầu của nước này song Ngoại trưởng Pompeo đã tránh đề cập trực tiếp Bắc Kinh trong các phát ngôn của mình. Mặc dù vậy, ông vẫn thường tìm cách xây dựng hình ảnh của các công ty Mỹ là những đối tác tốt hơn, đáng tin cậy hơn cho những nước tìm kiếm đầu tư nước ngoài so với các công ty của Trung Quốc.
Mỹ “sẽ không bao giờ tìm cách thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Pompeo nhấn mạnh, “và sẽ phản đối bất cứ nước nào làm như vậy”.
Ngày 1/8, ông Pompeo sẽ rời Mỹ đi thăm Malaysia, Singapore và Indonesia và dự kiến thông báo thêm các hỗ trợ an ninh cho khu vực này.
Chia sẻ với báo giới ngày 29/7, Cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, Brian Hook khẳng định rằng cách tiếp cận của Mỹ “không phải là một chiến lược ngăn chặn” các dự án đầu tư của Trung Quốc song vẫn chỉ trích điều mà Mỹ gọi là “sáng kiến sản xuất tại Trung Quốc và cho Trung Quốc”.
“Chúng tôi có một tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở mà không loại trừ quốc gia nào” – ông Hook nói. “Và chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của Trung Quốc đối với phát triển khu vực. Chúng tôi chỉ muốn họ tôn trọng triệt để những tiêu chuẩn cao và xây dựng một khu vực minh bạch, tuân thủ quy định luật pháp và tài chính bền vững”.
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng chiến lược “Vành đai – Con đường” nhằm “bơm” hàng trăm tỷ USD vào các bến cảng, hệ thống đường sắt và nhiều dự án khác ở khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Chi phí cho chương trình này là vô cùng lớn nhưng Trung Quốc vẫn hy vọng rằng nó sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nước này ở nước ngoài và mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu.
Theo VOV