Một trận đấu tại giải bóng rổ thanh thiếu nhi tỉnh mở rộng năm 2018

Từ các giải đấu

Đầu tháng 7/2018, giải bóng rổ thanh thiếu nhi tỉnh mở rộng lần thứ II, năm 2018 khởi tranh với sự tài trợ của một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có những đơn vị ngoại tỉnh, như đội bóng rổ chuyên nghiệp Danang Dragons hay Công ty phụ kiện bóng rổ TP. Hồ Chí Minh. So với năm 2017, nguồn kinh phí tốt hơn nên giải thu hút nhiều đội bóng; những đơn vị ở xa như Bình Dương, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng cũng về Huế dự giải với lực lượng đông. Anh Đỗ Đức Mẫn, Phó ban tổ chức giải, phấn khởi: Nhờ xã hội hoá nên đã mời được một trọng tài quốc gia và một trọng tài từ TP. Hồ Chí Minh. Kết thúc giải, các đơn vị đều tin tưởng với điều kiện hiện nay, có thể phát triển giải đấu này thành giải bóng rổ miền Trung mở rộng.

Thời gian qua, nhiều môn thể thao khác cũng đã kêu gọi xã hội hóa. Bên cạnh các hình thức tài trợ, một số giải đấu được tổ chức theo phương thức hội viên hay người tham gia đóng góp. Điển hình như giải bóng bàn Huế Super League 2018 kêu gọi sự đóng góp của người tham gia 40 triệu đồng (bên cạnh nguồn vận động tài trợ khoảng 20 triệu).Với hình thức này, giải quy tụ 150 tay vợt ở nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia và phân theo các nhóm hạng vận động viên khác nhau để đánh chấp điểm, kéo dài thời gian đến 3 tháng, tạo ra sự kịch tính.

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, xã hội hóa các giải đấu thể thao đem lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là tiết kiệm được nguồn ngân sách Nhà nước. Các giải đấu được tổ chức theo hình thức xã hội hóa cũng có quy mô lớn và thu hút lực lượng, đối tượng tham gia nhiều. Các giải đấu tổ chức tốt tạo được tính chuyên nghiệp sẽ tác động ngược trở lại để phong trào tập luyện và thi đấu phát triển.

 Trận đấu bóng bàn tại giải bóng bàn Huế Super League 2018

Để duy trì bền vững

Anh Lê Quý Anh Hùng, Phó Trưởng ban tổ chức giải bóng bàn Huế Super League 2018 thừa nhận, cái khó lâu nay trong việc xã hội hóa thể thao là cần những người đủ uy tín đảm nhận trọng trách này. Đa phần người tổ chức các giải đấu phong trào đều có công việc khác, thể thao chỉ là nghề tay trái nên khó thuyết phục được các cá nhân, tổ chức tài trợ. Hơn thế, do công việc của họ bận rộn, không phải ai cũng đủ tâm huyết để đứng ra kêu gọi phát triển các giải đấu nên ở nhiều môn, giải được tổ chức theo kiểu “liệu cơm, gắp mắm”. Rõ ràng, trong trường hợp này, các câu lạc bộ, nhóm tập nên tìm chiến lược phát triển thành các tổ chức hội hoặc liên đoàn, điều này sẽ giúp các đơn vị có tư cách pháp nhân và đủ uy tín để đứng ra vận động kinh phí tổ chức.

Điều cần làm tốt trong các giải đấu xã hội hóa là tạo được sức mạnh truyền thông, quảng bá cho đơn vị tài trợ. Xã hội hóa các giải đấu mang lại lợi ích hai bên, người làm thể thao có kinh phí và cơ sở vật chất tổ chức giải. Đơn vị tài trợ mong muốn quảng bá thương hiệu của họ thông qua giải. Lâu nay, khả năng quảng bá hiệu quả cũng là dấu chấm hỏi mà nhiều doanh nghiệp, đơn vị tài trợ còn hoài nghi. Vì thế, ban tổ chức các giải phong trào nên lưu ý điểm này nhằm kêu gọi tốt hơn sự tài trợ, nhất là những doanh nghiệp lớn. “Xu hướng các đơn vị, doanh nghiệp muốn tìm các giải đấu ở ngoại tỉnh và sẵn sàng tài trợ lâu dài nếu thấy kinh phí bỏ ra mang lại lợi ích cho họ”, chị Trần Nguyễn Trân Châu, Quản lý đội bóng rổ chuyên nghiệp Danang Dragons – đơn vị vừa tài trợ cho giải ở Huế nói.

Ngoài nỗ lực của các câu lạc bộ, nhóm tập, những người làm thể thao phong trào, cần có sự định hướng tốt hơn từ phía ngành thể thao để phát triển các giải đấu theo hình thức xã hội hóa.

Bài, ảnh: Hữu Phúc