Đọc bài "Đường Tố Hữu (TP. Huế): Vừa đầu tư đã xuống cấp" trên Báo Thừa Thiên Huế ra ngày19/7/2018, thấy xót xót thế nào.

Theo những gì mà bài báo cho biết, tuyến đường này được làm trong vòng 13 năm, qua hai giai đoạn. Một con đường mà tính theo đời người, một em bé từ khi sinh ra thì con đường đã làm, đến khi em được bước chân vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương (giả sử em thi đậu) con đường vẫn chưa xong. Khi đường vừa xong mới chừng 3 năm thì lại xuống cấp.

Việc xây dựng một con đường kéo dài thời gian có nhiều lý do, trong đó có khả năng công trình này rơi vào hai lý do sau: tính toán hiệu quả đầu tư và thiếu vốn. Lý do hiệu quả đầu tư là khi nhu cầu sử dụng công trình phát sinh đến đâu thì mở rộng đến đấy. Nhưng lý do thiếu vốn cũng là một khả năng, vì nguồn ngân sách của tỉnh ta vốn không dồi dào.

Thế mà mới đưa vào sử dụng được mấy năm đã xuống cấp. Không biết nguồn vốn đầu tư cho công trình này là bao nhiêu nhưng đây là một con đường lớn kết nối “vùng lõi” của đô thị Huế với các khu đô thị phía Đông, nên chắc chắn là không phải ít.

Khi nghe một vài vị có trách nhiệm giải thích nguyên nhân xuống cấp, tôi đã thấy thiếu sức thuyết phục. Ví dụ có một vị nói: “Đường xuống cấp là do trong khu vực có nhiều phương tiện tải trọng lớn…”. Cách giải thích này nghe rất lạ và nó hàm chứa sự quản lý lỏng lẻo...  Tải trọng lớn là lớn như thế nào!?

Đường làm ra là để các phương tiện lưu thông. Lưu thông phải đúng tải trọng theo qui định sức chịu đựng của đường. Bao nhiêu lực lượng quản lý và kiểm soát vấn đề này, tại sao lại để tải trọng lớn? Khi xảy ra tải trọng lớn, làm hư hỏng đường thì các đơn vị gây ra có trách nhiệm gì không, hay là ngân sách nhà nước phải bỏ ra duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng. Nếu đúng như thế thì “rất xót” cho tiền ngân sách. Mà tiền ngân sách là tiền của dân. Nếu cứ cung cách đầu tư xây dựng và quản lý đưa vào khai thác công trình giao thông như thế này, thì có thể nói… chúng ta còn “khát vốn “ lâu dài!?

Cát Sơn