Điều kiện sản xuất của 5 trong số 7 quốc gia ASEAN khảo sát được cải thiện trong tháng 7. Ảnh: Jabil

Các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất trong ASEAN cải thiện với tốc độ chậm hơn trong tháng 7, đánh dấu mức cải thiện yếu nhất kể từ tháng 3 năm nay. Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng của ASEAN tăng chậm hơn; việc làm tiếp tục tăng, nhưng tồn kho hàng hóa đầu vào duy trì mức giảm.

5 trong số 7 quốc gia khu vực được khảo sát có các điều kiện sản xuất cải thiện, trong khi Malaysia và Myanmar phải đối mặt với mức giảm sút.

Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN, khi duy trì sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới chậm lại không đáng kể so với tháng 6.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng tăng đáng kể số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng, nhằm đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei giảm nhẹ từ mức 55,7 điểm trong tháng 6 xuống còn 54,9 điểm trong tháng 7; tuy nhiên, đây vẫn là một trong những mức tăng cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu hồi tháng 3/2011. Các điều kiện kinh doanh cũng được cải thiện hơn trong suốt 32 tháng qua.

Tiếp ngay sau Việt Nam trong bảng xếp hạng là Philippines, mặc dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này chậm hơn đáng kể. Indonesia được xếp ở vị trí thứ 3, nhờ mức cải thiện điều kiện hoạt động nhanh hơn. Singapore giảm xuống vị trí thứ 4, do lĩnh vực sản xuất cải thiện với tốc độ yếu hơn đáng kể so với tháng 6.

Thái lan đối mặt với sự đình trệ về các điều kiện sản xuất nói chung trong tháng 7. Myanmar và Malaysia chứng kiến sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất lần đầu tiên trong 10 tháng.

Ông Bernard Aw, chuyên gia kinh tế chính tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định: “Trong khi có những báo cáo cho thấy tình trạng khan hiếm hàng hoá đầu vào ảnh hưởng đến sản lượng, những quan ngại gia tăng về cuộc chiến thương mại cũng tác động đến nhu cầu hàng hóa sản xuất của ASEAN; từ đó tác động lên sản lượng. Mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới kém hơn sản lượng trong 4 tháng liên tiếp cho thấy tình trạng tăng chậm lại của sản lượng có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới”.

Ngoài ra, các nhà máy ASEAN tiếp tục đối mặt với mức chi phí tăng, một phần do giá dầu tăng, dù giá cả đầu ra cũng tăng, tốc độ mở rộng vẫn yếu hơn tốc độ tăng chi phí; do đó biên lợi nhuận bị thu hẹp, ông Bernard Aw lưu ý thêm.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei)