Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kết luận tại cuộc họp chuyên đề

Đây cũng là nội dung chính tại cuộc họp chuyên đề trực tuyến tháng 7/2018, do UBND tỉnh tổ chức sáng 1/8, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung và Nguyễn Văn Phương.

Chọn ngày phụ nữ mặc áo dài đến công sở

Về quy định trang phục làm việc trong Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động (NLĐ) làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, ngoài những quy định hiện hành, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trường học nghiên cứu tổ chức cho phụ nữ mặc áo dài đến công sở vào các ngày cố định. “Cần xây dựng cơ chế đặc thù về phong cách ứng xử, ăn mặc của CCVC, NLĐ ở Huế. Cố đô Huế là quê hương áo dài, thành phố văn hóa Asean, là vùng đất truyền thống thì không hà cớ gì không tổ chức cho học sinh, sinh viên, CCVC mặc áo dài đến nơi học tập, làm việc”- ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phục vụ Nhân dân. Trong ảnh: Cuộc thi Chung tay cải cách hành chính

Với 5 chương, 18 điều, Bộ quy tắc ứng xử quy định các chuẩn mực xử sự của công chức khi thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội nhằm bảo đảm NLĐ làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của công chức; thực hiện công khai các hoạt động và quan hệ xã hội của công chức tại nơi làm việc. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức trong công tác phòng, chống tham nhũng; là căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý trách nhiệm khi công chức vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội và là cơ sở để Nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của công chức.

Nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân - chính quyền   

Xét tặng danh diệu “Công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế

Danh hiệu “Công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế” là hình thức biểu dương, khen thưởng cao quý của UBND tỉnh được xét tặng hàng năm cho không quá 10 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu nhất trên tất cả các lĩnh vực đạt tiêu chuẩn theo quy định. Thời điểm công bố dự kiến vào ngày 26/3 hằng năm.

Theo dự thảo Nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân- cơ quan chính quyền, 3 năm gần đây, các chỉ số PAR INDEX, PCI, PAPI của tỉnh xếp hạng thấp. Nhiều nội dung thuộc mối quan hệ công dân và các cơ quan chính quyền chưa được đánh giá cao. Vì vậy, việc nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan chính quyền, hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả là rất cần thiết.

Theo đề án, các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường đối thoại để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Kiên quyết, công khai xử lý thực hiện tinh giản biên chế đối với những công chức hạn chế về năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường sự tham gia của người dân, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.   

Các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan chính quyền, như: Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan chính quyền và giải quyết TTHC đạt trên 80%; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; hằng năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 8 - 10%; số hóa toàn bộ hồ sơ TTHC tại Trung tâm Hành chính công; 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung tích hợp từ tỉnh đến xã...  

Tại cuộc họp, đã có 7 đề án, quy định được UBND tỉnh bàn thảo, trong đó có quy định đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động hàng năm các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI); quy định về đánh giá và phân loại CBCCVC, NLĐ.

Kết luận tại phiên họp chuyên đề, ngoài những nội dung bổ sung trực tiếp vào các đề án, dự thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các đề án, quy định. Về đánh giá CBCC, cần đơn giản hơn, thuận lợi cho người được đánh giá; phải lượng hóa các tiêu chí, đánh giá thường xuyên, liên tục, đánh giá đa chiều, công khai, minh bạch. Cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét lại các tiêu chí đánh giá theo hướng rút gọn, cắt giảm các tiêu chí; tăng cường điểm cộng, điểm trừ trong đánh giá. Đánh giá dựa trên các tiêu chí thực hiện PAPI (Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh), PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), DDCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành), PAR INDEX (chỉ số CCHC)... để có đánh giá tương đối, yếu tố trùng lặp phải loại trừ.

Điều chỉnh giờ làm việc

Đề án điều chỉnh giờ làm việc sẽ điều chỉnh giờ học tập, làm việc trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần giảm và giãn áp lực về người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường khu vực nội thành và ven đô trong các khung giờ cao điểm; tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, CBCCVC, học sinh, sinh viên, nâng cao hiệu quả lao động, học tập, công tác.

Bài, ảnh: Thái Bình