Anh Châu tại xưởng mộc của gia đình

Thăng trầm     

Theo tiếng gọi Tổ quốc, năm 1978 chàng thanh niên Nguyễn Hồng Châu lên đường làm nghĩa vụ Quốc tế thuộc Sư đoàn 339 Quân đoàn 4 chiến đấu ở nước bạn Campuchia. Nhiều lần anh bị trọng thương nhưng lại được đồng đội cứu sống. Năm 1982, anh trở về quê trên mình mang nhiều thương tích nhưng quyết tâm giữ vững nét đẹp người lính Cụ Hồ: “Tàn nhưng không phế”. Ban đầu, anh Châu làm nông. Hết nông vào thời nhàn rỗi lại theo nghề chổi đót, đi buôn mây. Làm đủ nghề nhưng quanh năm, gia đình anh vẫn vất vả, khó khăn.

Năm 1990, thấy nhiều bạn bè ở đây chuyên buôn bán hàng mộc dân dụng, anh vay mượn vốn của người thân mở xưởng cưa gỗ. Xưởng cưa gỗ ra đời chừng 2 năm không phát huy hiệu quả, anh chuyển sang học nghề mộc dân dụng. Chịu khó và có chút khiếu “bẩm sinh” nên anh tiếp cận nhanh, thành thạo. Các sản phẩm tủ, bàn, ghế gỗ làm ra từ bàn tay anh đã giúp gia đình có thêm thu nhập ngoài việc trồng trọt của người vợ. Khi tay nghề đã khéo, sản phẩm đã đẹp, anh Châu lại tiếp tục loay hoay tìm mối để có nhiều đơn hàng ổn định hơn.

Xuất phát từ thực tế, số lao động nhàn rỗi lúc nông nhàn nhiều nên anh mời gọi nhiều bạn bè có hoàn cảnh khó khăn để cùng phát triển sản xuất kinh doanh hàng mộc dân dụng có quy mô hơn.

Tạo việc làm cho nhiều lao động

Hiện nay, xưởng mộc của anh Châu thường xuyên có từ 15-20 thợ (thợ mộc và thợ sơn PU). Phần lớn là những người thợ có hoàn cảnh nghèo và con cháu của cựu chiến binh địa phương. Để tạo việc làm cho lao động, anh Châu phải liên kết các thị trường ở khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Anh nói: “Bây giờ làm nghề gì cũng vậy, phải liên kết mở rộng thị trường mới tồn tại. Hiện, nguồn cung ở xưởng mộc gia đình lớn, nhưng muốn giải quyết đầu ra phải rải hàng đều khắp các tỉnh bạn. Ví dụ tháng này ở tỉnh Quảng Bình cần nhập 10 chiếc tủ thờ, Quảng Ngãi cần 5 bộ bàn, Quảng Trị cần 6 bộ ghế... và tháng sau ngược lại. Nếu chậm trễ, mất uy tín thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của toàn bộ người lao động”.

Mỗi tháng xưởng mộc anh Châu sản xuất khoảng 20-30 chiếc tủ và bàn ghế. Hàng làm xong được các mối từ tỉnh bạn đến chuyển đi. Những chiếc tủ, bàn hay ghế trước khi rời xưởng anh là người cuối cùng kiểm định theo đúng đơn đặt hàng từ mẫu mã, loại gỗ, nước sơn...Uy tín, thương hiệu làm ăn của anh trong những năm qua được thể hiện qua chất lượng sản phẩm.

Trước đây, trung bình mỗi nhân công làm mộc tại xưởng nhà anh Châu chỉ trả 3-5 triệu đồng/tháng, nay tăng lên gần 7-8 triệu đồng. Những trường hợp mới vào nghề, anh Châu tạo điều kiện chỗ ở, hỗ trợ tiền ăn trưa, xăng xe đi lại... Theo lời anh Châu, nhìn không gian, quy mô sản xuất của xưởng mộc gia đình mọi người đều nghĩ gia đình thu nhập cao, lãi lớn. Thế nhưng tính toán chi phí mọi khoản, nguồn thu của anh cũng khiêm tốn chủ yếu lấy công làm lãi, khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh nguồn thu từ xưởng mộc, anh còn kinh doanh mở siêu thị tạp hóa tại trung tâm chợ huyện A Lưới… Không giàu nhưng gia đình anh Châu hiện tại khá ổn định, con cái học hành thành đạt. Mấy năm gần đây, nhờ có điều kiện kinh tế, anh nhận làm Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện của Sư đoàn 339 tỉnh Thừa Thiên Huế từng chiến đấu tại Campuchia. Hàng năm, đến ngày Thương binh Liệt sĩ, anh tổ chức gặp mặt bạn bè, giao lưu, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa và tri ân đồng đội đã nằm xuống.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Hương Hồ cho biết, anh Nguyễn Hồng Châu đã làm tốt vai trò của một hội viên cựu chiến binh ở địa phương. Với nghị lực vượt khó, anh luôn đi tìm hướng làm ăn phù hợp, đưa kinh tế gia đình phát triển; đồng thời giúp cho người dân ở địa phương, con em cựu chiến binh có việc làm ổn định.

Bài, ảnh: Minh Phái