Các phố ven sông nổi tiếng
Lang thang dọc dòng sông Potomac ở thủ đô Washington của nước Mỹ trong buổi chiều hoàng hôn, tôi nhớ Huế da diết bởi dòng sông này cũng chia thành phố thành hai bờ Nam - Bắc, hai phía cổ kính và hiện đại với những bãi thảm cỏ xanh mượt chạy dài miên man như vô tận, những chiếc thuyền hối hả chở khách du lịch ngược xuôi.
Đường dọc biển Honolulu
Con đường đi dọc bờ sông Potomac bên này kết nối các điểm ăn uống - du thuyền - khách sạn với nhau tạo nên một chuỗi kinh doanh du lịch khép kín mà khi du khách “lạc” vào đây thì khó mà... rời chân. Còn bờ bên kia là con đường “trail” dành cho người dân đi tập thể dục, đạp xe đạp và ngắm sông ban chiều.
Tôi lại nhớ đến góc cầu Trường Tiền thơ mộng trong lần ghé thăm thành phố Little Rock - thủ phủ của bang Arkansas trong đêm bắn pháo hoa chào mừng quốc khánh Hoa Kỳ. Đây đó là những vườn tượng trên bãi cỏ xanh mát, đàn trẻ con lấy tấm bìa các – tông leo lên sườn đồi rồi “trượt cỏ” xuống đất, ngã dúi dụi nhưng đứa nào cũng phì cười sảng khoái; hay đôi nam thanh nữ tú đang cầm tay nhau ngồi hẹn hò bên dòng sông Arkansas.
Trời đêm buông xuống cũng là lúc ánh đèn trên chiếc cầu “Clinton Presidential Park” mang tên cựu tổng thống Mỹ được bật lên.
Ôi chao, sao giống Huế của mình đến vậy! Nơi đây cũng có cây cầu sắt nhiều vài lắm nhịp, cũng có con đường dạo đầm phía dưới bằng gỗ lim, cũng có đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy mắc trên thành cầu, cũng những ánh đèn vàng leo lét toả xuống đường đi bộ dọc sông, cũng có dòng người đứng trên cầu ngắm nghía dòng xe chạy ở trên cây cầu mới bên cạnh...
Nhưng để nói đến việc khai thác du lịch hiệu quả nhất phải kể đến phố đi bộ ven sông ở thành phố San Antonio hiền hoà của tiểu bang Texas.
Dọc theo con sông San Antonio nhỏ nhắn hiền hòa (cũng được biết với cái tên Tây Ban Nha là Paseo del Río) mà theo tôi cũng nhỏ hơn cả sông đào Bến Ngự nhưng người ta đã tạo ra một đường phố đi bộ khép kín với hoa cỏ, những hàng quán ẩm thực được bài trí nhẹ nhàng, cảnh vật rất thanh bình xung quanh để “hái ra tiền”.
Mặt sông xanh trong như soi cả được bóng người, ánh đèn lung linh huyền ảo khắp nơi như những chú đom đóm lập lòe. Tiếng nhạc du dương về chiều cùng ánh đèn vàng được hắt lên từ hai bên sông khiến cho tour khám phá thành phố về đêm bằng thuyền của du khách thêm phần thi vị. Đến đây thưởng lãm mới biết được lý do vì sao San Antonio được xem là một trong những điểm cần đến của những đôi tình nhân khắp mọi nơi.
Ngoài ra, tôi còn ghé đến nhiều phố đi bộ dọc sông khác ở thành phố Branson (bang Missouri) – nơi có một đoạn phố được xây dựng bằng gỗ vươn ra ngoài mặt nước bên cạnh đài nhạc nước phun lửa, đến thành phố St Louis (bang Missouri) để đi bộ ngắm dòng sông Mississippi, cuốc bộ lội nước ở sông South Platte của thủ phủ Denver (bang Colorado), uống bia dọc sông Chicago (bang Illinois), đạp thuyền vịt trên con kênh của Indianapolis (bang Indiana) hay vui chơi ở phố đi bộ dọc hồ Kissimmee (bang Florida).
Càng đi lắm nơi nhiều chỗ tôi mới thấy nhiều người so sánh vẻ đẹp của sông Hương chỉ đứng sau dòng sông Seine yêu kiều của nước Pháp không phải là điều “khen để lấy lòng”. Mà đó là sự thật!
Hue Riverwalk, tại sao không?
Khi tìm kiếm từ khoá “Riverwalk” trên Google thì thông tin hiện lên dày đặc về phố đi bộ của thành phố du lịch San Antonio (bang Texas).
Đường dọc sông ở thành phố San Antonio
Dường như du khách đã mặc định nghĩ đến dạo phố dọc sông này là điểm cần “check in” khi đến tham quan hành phố. Điều đó đã tạo nên một “thương hiệu” cực kỳ thuận lợi cho du lịch ở đây mà không cần quảng bá gì hơn nữa về điểm đến.
Dòng sông Hương cũng đang trở mình chuẩn bị đón một “điểm nhấn” mới với tuyến đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương đã được triển khai xây dựng với chiều dài 380mét, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng.
Tuyến đường dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018 này với kỳ vọng sẽ tạo nên một điểm nhấn, diện mạo mới cho bờ của “dòng sông di sản” Cố đô Huế; đồng thời khai thác phát huy giá trị cảnh quan, không gian đô thị - môi trường và văn hóa lịch sử của dòng sông Hương.
Nhiều người cho rằng, điểm nhấn của tuyến đường đi bộ để cho người dân tiếp cận được với mặt nước sông Hương là âm thanh, ánh sáng chứ không phải là việc lát chất liệu gì? Có lẽ nhiều luồng ý kiến sa vào tranh cãi mà quên đi rằng, vẫn còn nhiều điều mà dường như chúng ta chưa chuẩn bị...
Đầu tiên là việc nâng cao ý thức chung cho người dân khi cùng sử dụng tuyến đường đẹp này cùng với việc lắp đặt đầy đủ các bảng chỉ dẫn, hệ thống nhà vệ sinh và thùng rác dọc phố... để sau ngày khai trương sẽ không có những cảnh nhếch nhác mất mỹ quan khiến rồi nhiều người than thở rằng gỗ lim chưa kịp xuống cấp thì ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho con đường đã... xuống trước.
Chưa kể bài học trước đây một số bức tượng nghệ thuật bằng đồng trong vườn tượng cạnh sông Hương đã bị đánh cắp không thương tiếc. Biết đâu những thanh đồng trên con phố độc đáo này cũng cùng chung số phận!
Đường dọc kênh Indianapolis
Bên cạnh đó là các hoạt động bổ trợ duy trì sự nhộn nhịp của phố cho mùa du lịch. Những chương trình ca nhạc ngoài trời hát về xứ Huế, buổi biểu diễn của nghệ sĩ đường phố đã được đăng ký theo lịch, lớp học thiền cho công chúng vào mỗi buổi sáng... cần được lên kế hoạch chi tiết từ sớm để tránh cho việc “vườn không nhà trống” khi tuyến phố được đưa vào hoạt động. Và cánh bán hàng rong, cò thuyền rồng ca Huế, xin đểu... có cơ hội hoạt động nhộn nhịp nếu không có sự quản lý giám sát.
Cuối cùng là sự ra đời cho một cái tên thật gần gũi nhất cho người dân Huế và cả khách du lịch quốc tế. “Phố nổi sông Hương” thuần Việt và một cái tên thông dụng như “Hue Riverwalk” được đính trên bản đồ Google map để cho du khách nước ngoài dễ nhận diện hơn khi tìm kiếm điểm tham quan vào buổi tối. Tại sao không?
Bài, ảnh: QUỐC VINH