Viết kiểu chân chất cũng chán, có anh bạn trong lớp giỏi văn nghĩ ra ý tưởng mình là một võ sư Karatedo bộc bạch tâm sự với bạn bè trong giờ phút chia tay. Thế là dậy sóng, cả bọn thi nhau xôm tụ, xưng nào Thiếu Lâm, nào Judo, nào Teakwondo… Cuối cùng, có anh bạn người làng Mỹ Lợi xuất hiện với lời giới thiệu, y hệt diễn viên tuồng chào khán giả, "ta là võ sư Vovinam"... Ai đó tò mò, lỡ hỏi răng lại là Vovinam hè, hắn quát to, "không biết chi hết, võ của người Việt mình đọ". Thằng bạn to con, lại nói giọng "Quảng" Mỹ Lợi oang oang, cả bọn nghe cũng khiếp nên chẳng có đứa nào dám mô tê chi nữa.

Lê Bá Thương (thứ hai, phải sang) cùng các môn sinh. Ảnh: TL

Tôi nhớ mãi từ đó cái tên võ Vovinam, còn được gọi là Việt Võ đạo. Thì ra, so với nhiều môn võ cổ truyền, Vovinam có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 80 năm. Năm 1938, dựa trên nền tảng môn vật và võ dân tộc cùng với việc kế thừa những tinh hoa võ học của thế giới, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng tạo nên môn phái Vovinam ở Hà Nội. Khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, đệ tử chân truyền của ông là võ sư Lê Sáng đã nối tiếp và phát triển Vovinam ở miền Nam và dần dần vươn ra các nước. 80 năm đã đi qua, với biết bao thăng trầm và thách thức, Vovinam trở thành một môn võ được đông đảo bạn bè khắp năm châu mến mộ.

Chuyện về môn võ Vovinam trên đất Huế gắn liền với cái tên Lê Bá Thương. Anh còn khá trẻ, sinh năm 1981, tức là năm mà thằng bạn Mỹ Lợi của tôi tự xưng là võ sư Vovinam (?). Thương mê nên từ lớp 7 đã học võ. Năm 2003, thi đậu chuyên ngành võ thuật Trường đại học Hồng Bàng, cơ duyên đã đưa Thương đến với Vovinam. Bốn năm miệt mài với từng thế võ, bài quyền, ra trường Thương quyết định mang Vovinam về Huế. Nghe bảo, lúc đầu chiêu sinh mở lớp, Thương và học trò phải đạp xe len lỏi vào tận ngõ ngách, kiệt hẻm để treo áp phích, phát tờ rơi. Một số người không hiểu, đã có lời lẽ không mấy thiện cảm, thậm chí xúc phạm. Với tinh thần võ sĩ đạo, Thương đã vượt qua định kiến và khó khăn.

Bây giờ thì người Huế đã có thể tự hào về Vovinam. Trước hết, đó là sự phổ biến sâu rộng của môn võ này ở địa phương với sự ra đời của các câu lạc bộ và các lớp võ. Tiếp đến là thành tích và sự quan tâm đặc biệt mà xã xã hội dành cho môn võ này. Mới đây vào tháng 4/2018, Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2017 - 2018 (môn Vovinam) được tổ chức tại thành phố Huế quy tụ hàng chục vận động viên bậc tiểu học và trung học cơ sở tham gia. Còn giữa tháng 7 vừa qua, giải Vovinam dành cho học sinh toàn quốc lần thứ 2 đã khai mạc tại Trung tâm thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế với 500 học sinh tham gia và đã thành công tốt đẹp.

Một thời, nhắc đến Huế, người ta thường chú ý tới những vấn đề có chất “văn”, như nhã nhạc, kiến trúc, ẩm thực, phục trang… nhưng là một kinh đô hơn một trăm năm, Huế không thể tồn tại nhờ vào văn sách mà còn phải có võ công. Huế do thế cũng là đất võ và sự hiện diện của Võ miếu bên cạnh Văn miếu gắn với câu ca “Văn thánh trồng thông/Võ thánh trồng bàng/Ngó vô Xã tắc hai hàng mù u” là một minh chứng. Tôi nghĩ, chính cái tinh thần thượng võ đó đã giúp cho cho người Huế nhanh chóng đón nhận những tinh hoa võ học mới mà biểu hiện sinh động là sự ra đời và phát triển của Vovinam - Việt võ đạo gần đây.

Đan Duy