Nhu cầu

Mới đây, Tập đoàn Vingoup đã ký kết hợp đồng đào tạo với Trường cao đẳng Du lịch Huế. Theo đó, nhà trường đào tạo theo giáo trình riêng của tập đoàn và sinh viên sau khi ra trường được đảm bảo công việc ổn định ngay tại tập đoàn này.

Sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Huế trong tiết thực hành

Đại diện tập đoàn Vingroup cho hay, sự chuyên nghiệp sẽ khẳng định được thương hiệu, do đó, tập đoàn chủ động tuyển chọn những người được đào tạo chuyên ngành du lịch. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở trang phục, phong thái như sự gọn gàng, đĩnh đạc, thể hiện sức sống. Điều này, một sinh viên được đào tạo đúng chuyên môn sẽ dễ dàng làm được ngay, so với lao động dù được đào tạo qua đại học, cao đẳng nhưng không phải là du lịch. Với hình thức này, tập đoàn tìm được nguồn nhân lực tốt, bởi sự cạnh tranh, hút nhân lực giữa các DN đang rất gay gắt.

Ngoài việc đảm bảo có nguồn lao động chất lượng, thêm lý do mà DN chủ động hợp tác với các trường đào tạo du lịch là còn giúp họ giảm được chi phí. Với nhiều lao động, DN phải mất thêm khoảng 3 tháng để đào tạo lại mới có thể thành thạo công việc. Ngoài hợp tác đào tạo ở nhà trường, các DN tiếp nhận sinh viên đến thực tập. Đây là khoảng thời gian để DN sàng lọc, lựa chọn những em tốt nhất và có thể nhận vào làm việc ngay sau tốt nghiệp.

Ông Phạm Bá Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ, nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của DN với chương trình đào tạo do hai bên cùng xây dựng. Theo đó, các chuyên gia của DN sẽ góp ý, giúp nhà trường hoàn thiện giáo trình. Với sự hợp tác này, nhà trường cho ra “lò” những lao động sát nhu cầu của DN nhất, đảm bảo được số lượng mà DN yêu cầu như hợp đồng đã ký kết.

Mới đây, Laguna Lăng Cô cùng với nhà trường định hướng nghề nghiệp cho sinh viên bằng cách tổ chức cho sinh viên về tham quan, tìm hiểu về ngành du lịch, các loại hình kinh doanh, trải nghiệm các dịch vụ. Các năm sau, sinh viên về thực tập dài hạn và ở lại làm việc. Đó là sự hợp tác xuyên suốt, hai bên cùng có lợi.

Sinh viên được lợi

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, những năm qua, nhà trường đã ký kết hợp đồng nguyên tắc, biên bản thỏa thuận với 20 đơn vị, DN du lịch từ 4 - 5 sao tại khu vực miền Trung. Hai năm một lần, các hợp đồng, biên bản thỏa thuận sẽ được điều chỉnh theo tình hình thực tế. Thông qua các hợp đồng, DN cùng tham gia đánh giá quá trình rèn luyện của sinh viên thực tập và thi tốt nghiệp. Nhờ đó, sinh viên của trường được đánh giá rất cao, đặc biệt, hai năm trở lại, số lượng đào tạo của nhà trường không đáp ứng đủ các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Hợp tác với doanh nghiệp giúp các cơ sở đào tạo có nhân lực chất lượng, sát thực tiễn

Với việc hợp tác, còn giúp các cơ sở đào tạo định hướng được việc giảng dạy, từ đó có hướng phát triển trong tương lai. Ông Vũ Hoài Phương đánh giá, qua hợp tác, nhà trường thấy được những hạn chế trong đào tạo lâu nay, hướng đến thực tiễn nhiều hơn. Nắm được thông tin các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc của từng vị trí công việc cũng như những thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch để xây dựng, điều chỉnh.

Với những bản hợp đồng, có lợi nhất vẫn là các em sinh viên. Các em có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, làm quen với áp lực công việc, hình thành thái độ làm việc chuyên nghiệp ngay trong quá trình học; nâng cao kỹ năng thực hành trong môi trường thực tế, nâng cao trình độ ngoại ngữ; học hỏi được kinh nghiệm của những người đi trước; giảm được khoản đóng góp cho thực hành, chi phí sinh hoạt, trong nhiều trường hợp còn có thể có thêm thu nhập. Các DN còn cấp học bổng cho các em trong các năm học, điều này giảm chi phí, gánh nặng cho gia đình các em; có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng.

Trường cao đẳng Du lịch Huế cho hay, những DN liên kết hợp tác đào tạo là những tập đoàn lớn, có chiến lược phát triển du lịch lâu dài. Từ thực tiễn nhu cầu nhân lực du lịch hiện nay, số lượng DN ở Huế quan tâm đến tìm nguồn nhân lực mang tính lâu dài rất ít. Nếu không có sự nhìn nhận đúng về nhân lực thì trong cạnh tranh, Huế sẽ bị bỏ lại.

“Nhà trường giảm được một phần áp lực về cơ sở vật chất và chi phí thực hành của học sinh. Xây dựng được đội ngũ cộng tác viên có tay nghề cao, có bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp từ các DN tham gia công tác giảng dạy, giảm áp lực về đội ngũ giáo viên chuyên ngành. Có môi trường tốt để giáo viên cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề từ sự hợp tác”, ông Vũ Hoài Phương thông tin.

Bài, ảnh: Đức Quang