Phong trào sản xuất theo hướng gia trại, trang trại phát triển mạnh trong nông dân ở Sơn Thủy

Hình thành kinh tế GTTT

Mô hình GT của ông Nguyễn Thảo, ở thôn Quảng Ngạn, xã Sơn Thủy được quy hoạch theo từng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, sản xuất rau an toàn và vườn đồi.

Được sự hỗ trợ của HND xã, bằng nguồn vốn vay ban đầu 30 triệu đồng, ông Thảo đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông chỉ nuôi vài con bò và tận dụng đất quanh đồi để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Sau mỗi kỳ thu hoạch, ông lại tái đầu tư vào các phân khu chăn nuôi, sản xuất. Đến nay, khu chăn nuôi, sản xuất của ông đã có hàng chục con bò, gần 30 con lợn thịt mỗi lứa, hàng trăm con gia cầm và hàng tấn rau sạch mỗi năm…

Ông Thảo chia sẻ: “Từ kinh tế GT, mỗi năm tôi thu nhập trên 320 triệu đồng. Mô hình của gia đình tôi đã trở thành địa chỉ mới để mọi người đến tham quan, học tập kinh nghiệm”.

Không chỉ khai thác thế mạnh từ kinh tế rừng, vài năm trở lại đây, nông dân ở Sơn Thủy còn tận dụng diện tích phát triển mô hình TT chăn nuôi lợn có quy mô. Hộ gia đình anh Văn Đình Quế là một trong những điển hình. Được hỗ trợ nguồn vốn vay ban đầu 50 triệu đồng, anh Quế  đầu tư xây dựng 10 chuồng nuôi lợn nái bằng sắt theo hướng công nghiệp. Mô hình chuồng này chiếm diện tích nhỏ, đảm bảo vệ sinh, hạn chế được dịch bệnh và dễ quản lý. Chăn nuôi thuận lợi, số tiền lãi anh Quế tiếp tục mở rộng đầu tư chuồng trại. Hiện tại, trại lợn của anh có gần 130 con. Mỗi năm, trại cung ứng khoảng 300 lợn giống và hơn 7 tấn thịt lợn. Thu nhập từ trại lợn năm nay ước đạt gần 500 triệu đồng. Hiện anh đang nghiên cứu mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học để mở rộng quy mô.

Chủ tịch HND xã Sơn Thủy, ông Trần Văn Ẩn thông tin: Từ nhiều giải pháp thúc đẩy phong trào xản xuất kinh doanh giỏi của HND, trên địa bàn xã có thêm nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt có tiềm năng phát triển theo hướng kinh tế TT.

Đến thôn Ka Cú 2, xã Hồng Vân hỏi gia đình anh Trần Xuân Thành, ai cũng biết anh là một trong những điển hình vươn lên làm giàu từ kinh tế TT. Được HND xã tạo điều kiện, vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện với số vốn 30 triệu đồng, được hướng dẫn mở rộng diện tích sản xuất tập trung gồm trồng rừng, trồng chuối và chăn nuôi bò, dê… đến nay, TT anh Thành đã có hàng chục ha cây keo, 3 ha chuối, 2 ha tre lấy măng; đàn bò gần 20 con, khoảng chục con dê và trên 100 con gia cầm các loại. “Dự kiến giá cả ổn định, năm nay riêng chăn nuôi tôi đã thu lãi hơn 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, anh Thành phấn khởi.

Hướng phát triển mới

Các cấp HND huyện A Lưới đã liên kết tổ chức nhiều hoạt động, phong trào nhằm giúp bà con phát triển loại hình kinh tế GT,TT trên địa bàn. Việc hỗ trợ nông dân được lồng ghép thông qua các chương trình như: sản xuất nông nghiệp trọng điểm; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn... Ngoài vận động nông dân tận dụng tiềm năng, thế mạnh, các cấp HND ở các địa phương tập trung phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, đưa trang thiết bị máy móc vào sản xuất, gắn với chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới  Hồ Thị Hiền cho hay: Hằng năm, các tổ chức HND phát động phong trào xây dựng, phát triển kinh tế GTTT và mỗi cơ sở HND xây dựng 1 mô hình điểm để hội viên nông dân học tập, nhân rộng. Các cấp HND đã tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn từ NHCSXH trên 60 tỷ đồng, với 2.743 hộ vay; góp phần đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giải quyết việc làm cho hội viên nông dân. Hiện tại, địa phương đã có các mô hình kinh tế cho thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập lớn nhất tập trung vào các hộ trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, HND các cấp ở A Lưới đã linh hoạt vận động nông dân xây dựng thành vùng phát triển kinh tế GTTT kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện. Nổi bật có các xã Hồng Vân, Sơn Thủy, Phú Vinh, Hương Phong… ngày càng xuất hiện mô hình kinh tế có hiệu quả.

Hướng phát triển mô hình kinh tế GTTT ở A Lưới góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, mở mang diện tích đất trống đồi núi trọc, đất hoang hoá, giúp nâng cao năng suất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo vùng sản xuất tập trung...

Bài, ảnh: Bá Trí