Mô hình chăn nuôi lợn giống mang lại thu nhập cao cho gia đình bà Hạnh

Đến thôn 5, hỏi đường đến nhà bà Hạnh, chúng tôi được một người phụ nữ vừa dẫn đường vừa hồ hởi kể: “Bà Hạnh tốt bụng lắm, nhà tôi nuôi lợn toàn mua chịu thức ăn của bà ấy, đợi lứa lợn xuất chuồng mới có tiền trả”.

Ấn tượng đầu tiên là căn nhà khang trang, rộng rãi và người phụ nữ gần 50 với nụ cười thân thiện, chất phác. Tham quan một vòng trang trại chúng tôi khá bất ngờ vì mọi thứ đều được đầu tư bài bản, từ hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, vịt xiêm và ao cá cho đến kỹ thuật nuôi. Bà Hạnh tỏ vẻ tiếc nuối: “Cậu đến sớm vài hôm thì còn nhiều hơn thế này, lứa lợn thịt tôi vừa xuất chuồng chỉ còn một ít con nhỏ và 4 lợn giống”.

Mỗi năm bà Hạnh xuất chuồng 2 lứa lợn thịt (khoảng 20 con/lứa) và 2 lứa lợn giống (40 con/lứa) mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Ao cá chỉ nuôi 1 vụ/năm với nhiều loại như cá trắm, cá chép, rô phi cho nguồn thu ổn định khoảng 40 triệu đồng.

Bà Hạnh kể, bà bắt đầu với nghề chăn nuôi lợn từ năm 1990, ban đầu chỉ là nuôi ít lợn thịt nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Thấy được hiệu quả, năm 1995 bà tiếp tục mở rộng quy mô, tìm tòi nuôi thêm lợn giống và gắn bó cho đến nay. Tiếp đó, bà chọn nuôi thử nghiệm gà, vịt, ngan… lúc đỉnh điểm, quy mô trang trại khá lớn lên tới cả nghìn con gà. Vài năm trở lại đây, sức khỏe không tốt nên bà quyết định tập trung vào nuôi lợn nái và thịt.

Bà Hạnh tự nhận mình có “duyên” với nuôi lợn giống nên thành công ngay từ lứa đầu tiên. Ban đầu chỉ tự mày mò nuôi theo kinh nghiệm người đi trước nên chất lượng con giống chưa thật sự cao, sau dần bà được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của Hội Nông dân, Hội LHPN huyện nên chất lượng heo giống của bà ngày càng được cải thiện. Theo bà Hạnh, điều quan trọng nhất là phải chọn được con giống chuẩn, chấp nhận chi phí cao nhưng khi phối giống lứa tiếp theo sẽ thu được kết quả tốt; ngoài ra quy trình chăm sóc phải có khoa học, cho ăn đúng liều lượng và loại thức ăn phù hợp.

“Bây giờ nhiều người dân trong vùng đều tin dùng lợn giống do tôi cung cấp, thương lái khi biết là lợn của bà Hạnh đều mua với giá cao nhờ chất lượng được đảm bảo. Vẫn nhớ năm trước khi lợn rớt giá thê thảm chỉ còn khoảng vài trăm nghìn đồng/con, nhưng lợn thịt nhà tôi và các hộ xung quanh vẫn bán được hơn 1,2 triệu đồng/con”, bà Hạnh hồ hởi.

Hiện nay bà Hạnh còn là đầu mối cung cấp thức ăn chăn nuôi cho bà con quanh vùng. Việc buôn bán không lãi bao nhiêu nhưng bà vẫn duy trì như một cách giúp đỡ bà con phát triển chăn nuôi. “Nhiều gia đình khó khăn tôi đều bán chịu thức ăn, đến khi bán lợn có tiền mới trả lại. Một số trường hợp thua lỗ, tôi xóa nợ luôn vì họ cũng không đủ khả năng chi trả. Với những gia đình lần đầu nuôi lợn tôi sẵn sàng tư vấn kỹ thuật nuôi, loại thức ăn phù hợp”, bà Hạnh kể.

Bà Hồ Thị Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã A Ngo đánh giá, bà Nguyễn Thị Hạnh là hội viên nông dân cần cù chịu khó, với gần 30 năm kinh nghiệm nuôi lợn bà Hạnh đã giúp đỡ nhiều hội viên khác cùng nhau xây dựng mô hình chăn nuôi đạt chuẩn, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống. Bà Hạnh là gương mặt hội viên tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội Hội Nông dân huyện A Lưới vừa qua.

Bài, ảnh: Minh Nguyên