Quan tâm chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Huế
Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, ThS, bác sĩ Bùi Minh Bảo, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Huế cho rằng:
Theo thông tin của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới nhân Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2017, trong 1 năm có khoảng 1/4 số người trưởng thành và 1/10 trẻ em gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Số liệu tại "Hội thảo chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thiếu niên ở Việt Nam" do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 6/2/2018 tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8 đến 29% đối với trẻ và vị thành niên.
Gần đây, số lượng người mắc các rối loạn tâm thần đến khám, điều trị tại BV Tâm thần Huế ngày càng tăng. Sáu tháng đầu năm 2018, BV đón hơn 26.029 lượt; trong đó, điều trị nội trú 599 trường hợp, không giảm so với cùng kỳ năm trước. Phổ biến là rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần, các rối loạn cảm xúc, như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ... Những rối loại tâm thần này thường chiếm đa số trong quá trình khám, điều trị nội, ngoại trú tại BV Tâm thần Huế.
Nguyên nhân vì sao tỷ lệ mắc chứng rối loạn tâm thần chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng gia tăng?
Có nhiều nguyên nhân gia tăng nhưng tập trung vào những nguyên nhân chính, như bị tác động bởi những mâu thuẫn tình cảm trong đời sống, gia đình ly tán, con cái hư hỏng, mất mát người thân; thất bại trong học hành, làm ăn thua lỗ; chán nản, mệt mỏi do bị bệnh tật hiểm nghèo... Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển, thông tin đa chiều hơn, người dân bị tác động nhiều hơn bởi những vấn đề tiêu cực của xã hội, tỷ lệ giới trẻ nghiện ma túy, nghiện các chất kích thần và game tăng cao.
Ông có thể cho biết, khi sức khỏe tâm thần kém sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?
Trong cuộc sống, hầu như ai cũng từng gặp phải những sang chấn tâm lý. Nếu không biết cách đối diện, giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến rối loạn tâm lý. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, như chán sống, dễ hủy hoại bản thân, ảnh hưởng vấn đề sinh hoạt; không thể tiếp tục làm việc dẫn đến ảnh hưởng kinh tế gia đình, xã hội; không thể xây dựng, tổ chức được gia đình; tiêu hao tiền bạc vì lo chi phí điều trị bệnh… Những người "ốm" về tâm thần cũng yếu về mặt sinh lý, khó sinh được những đứa con có trí tuệ khỏe mạnh, ảnh hưởng đến phát triển giống nòi.
Thế nhưng hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, nguyên nhân do đâu?
BV Tâm thần Huế hiện có 71 cán bộ, nhân viên; trong đó, có 11 bác sĩ. Bình quân mỗi ngày, BV khám, điều trị từ 200 - 300 lượt bệnh không chỉ ở địa phương. Ngoài công tác khám điều trị, ngoại nội trú, BV còn phối hợp quản lý chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng theo Chương trình mục tiêu quốc gia, với 4.531 trường hợp ở địa phương; trong đó, có 2.815 trường hợp tâm thần phân liệt, 1.675 trường hợp động kinh, 41 trường hợp bị trầm cảm... |
Công tác truyền thông về sức khỏe tâm thần hiện còn hạn chế nên người dân chưa biết cách nhận diện bệnh. Mặt khác, còn có một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, nặng về mê tín, thường đưa người bệnh đi cúng bái để chữa bệnh. Nhiều người dân còn đánh đồng người bệnh tâm thần là… người điên, dẫn đến kỳ thị, làm cho người bệnh cũng như người thân giấu bệnh hoặc không được điều trị đúng phương pháp. Có trường hợp bệnh nhân được chữa khỏi, nhưng do kỳ thị làm hạn chế việc hòa nhập cộng đồng, dẫn đến người bệnh bị tách rời, xa lánh khiến họ dễ rơi vào trầm cảm và tái phát bệnh.
Để quan tâm đúng nghĩa về sức khỏe tâm thần, theo bác sĩ phải làm gì?
Trước hết, phải tăng cường truyền thông, đưa kiến thức sức khỏe tâm thần đến với cộng đồng. Muốn làm tốt phải chú trọng đến việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hàng năm cho đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên cơ sở thuộc mạng lưới chăm sức khỏe tâm thần cộng đồng ở 152 xã phường; có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với những cán bộ, nhân viên phục vụ trong BV tâm thần vì công việc của họ có tính đặc thù, nguy cơ tai nạn nghề nghiệp rất cao; quan tâm đào tạo chuyên khoa về tâm thần, có cơ chế tuyển chọn bác sĩ, tư vấn viên phù hợp để triển khai các liệu pháp điều trị tâm thần, mở rộng các mô hình dịch vụ tư vấn tâm lý...
Với người dân, cần tự trang bị kiến thức về sức khỏe tâm thần để biết cách đối phó và giải quyết khi gặp các sang chấn tâm lý. Khi bị bệnh, phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị, không chạy theo mê tín dị đoan, cúng bái. Phòng ngừa xa hơn là khi các bà mẹ mang thai không nên có những căng thẳng, lo âu hay những cú sốc tinh thần dẫn đến những sang chấn; tự nâng cao “sức đề kháng” tâm thần bằng việc kết hợp chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Khi gặp những sang chấn tâm lý nên tự mình giải quyết, không để kéo dài tình trạng mâu thuẫn, bị ám ảnh, ức chế lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần...
Minh Văn (thực hiện)