GS. Hiroaki Furumai: “Giữ lại không gian xanh và hồ nước trong thành phố

Nghiên cứu của tôi tập trung về lũ lụt và rủi ro về sức khoẻ ở thành phố Huế. Vào mùa mưa bão, nước sông dâng lên và nước ở các hệ thống nước thải dâng lên gây ngập lụt. Hiện Huế chưa có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng nên khi nước lũ dâng, nước từ các cống rãnh chảy ra tràn lan cùng với các tác nhân gây bệnh sẽ ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng. Do vậy cần phải xem xét lại hệ thống cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự hạn chế của hệ thống thoát nước trong thành phố.

Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tình trạng ngập lụt của thành phố Huế trong tương lai. Vì vậy, cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo vấn đề này. Huế rất thành công trong việc cung cấp nước sạch, nước an toàn cho người dân nhưng cần quan tâm và xem xét đến chất lượng nước trong mùa lũ. Phải cố gắng giữ lại càng nhiều càng tốt những khu vực xanh, những không gian xanh; cố gắng giữ lại những hồ nước trong thành phố vì với xu thế phát triển, số lượng người dân ngày đông lên thì những hồ nước này sẽ dần bị lấp đi hoặc thu hẹp dần. Thành phố cần phải xem xét và tính đến điều này bởi nếu không, tình trạng ngập lụt sẽ càng tồi tệ hơn.

PGS.Toru Watanabe: “Cần cải thiện hệ thống nước thải”

Khi lũ lụt xảy ra thì nước lụt sẽ kết hợp với nước thải từ các hộ gia đình, các khu công nghiệp... Tất cả các chất bẩn từ nước thải trong đó có tác nhân gây bệnh như vi sinh vật, kim loại nặng,... sẽ hoà vào trong nước lụt. Tôi đã làm một dự án nghiên cứu về lũ lụt, chất lượng nước và sức khoẻ con người ở Huế từ ba năm nay. Trong dự án này, tôi nghiên cứu về ảnh hưởng của các vi sinh vật, tác nhân gây bệnh lên sức khoẻ của con người thông qua điều tra các hoạt động của con người khi lũ lụt xảy ra. Bởi khi lũ lụt, người ta vẫn đi chợ, đi làm việc, đi học,... nhiều trẻ em còn thích đi lội lụt nữa. Do vậy, nguy cơ bị những bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng,... từ những tác nhân gây bệnh trong nước lụt là rất lớn so với khi bình thường (không có lụt). Thông qua phương pháp đánh giá rủi ro vi sinh vật định lượng, chúng tôi có thể biết được có bao nhiêu người bị mắc các bệnh từ những tác nhân gây bệnh trong nước lụt tại từng khu vực. Số liệu nghiên cứu của chúng tôi ở khu vực Thành Nội cho thấy số người mắc bệnh trong lũ cao gần gấp 10 lần so với khi ngày thường.

Theo tôi, cách thứ nhất là ngăn chặn, hạn chế thấp nhất tình trạng lũ lụt xảy ra. Cách thứ hai là chủ động cải thiện hệ thống nước thải và tốt nhất là xử lý nước thải trước khi cho chảy vào hệ thống nước thải chung. Khi đó sẽ giảm được số lượng vi sinh vật gây bệnh trong nước lụt.

Sắp tới, chúng tôi nghiên cứu tác động của lũ lụt theo mùa lên nhiễm bẩn vi khuẩn ở vùng nông thôn tập trung vào các tác nhân gây bệnh có trong đất và rau vào mùa lụt ở vùng nông thôn. Kết quả cụ thể của dự án sẽ có trong thời gian tới.
Ngọc Hà (ghi)