Kê khai tài sản được Đảng ta xác định là việc rất quan trọng, khâu trọng yếu trong việc phòng, chống tham nhũng. Việc kê khai này được triển khai thực hiện từ năm 2013, theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mục đích của kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Ở cơ quan tôi, mỗi dịp cuối năm, những người thuộc diện phải kê khai đều được nhắc và nộp đúng thời gian bản kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản theo quy định với tôi nhẹ nhàng và đơn giản, bởi nguồn thu nhập chủ yếu từ cơ quan, chỉ cần nhờ kế toán tổng hợp là có ngay số liệu chính xác. Các mục tăng thêm về tài sản rất ít khi có biến động, nếu có, việc giải trình nguồn gốc cũng đơn giản, rõ ràng. Đây chủ yếu là dịp để tôi tự nhìn lại mình và nhắc nhở bản thân về trách nhiệm người cán bộ, đảng viên.

Nhìn tổng thể, với những người “không có vấn đề” thì việc kê khai tài sản chẳng có gì phải “lăn tăn”, đau đầu. Nhưng với những người có những nguồn thu nhập không chính đáng, thiếu minh bạch thì đây là việc phải đau đầu đối phó. Thực tế từ những vụ án tham nhũng, án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử thời gian qua, số tiền và tài sản được kê biên, thu giữ là khá lớn. Chắc chắn một điều, những cán bộ, đảng viên trên năm nào cũng thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng họ vẫn qua mặt được cơ quan, tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng.

Một kênh tham khảo khác là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ (2007-2017), các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 4.859 trường hợp kê khai tài sản và chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực. Điều này cho thấy, việc kê khai tài sản của các quan tham không trung thực và việc kiểm tra, xác minh tính trung thực của các bản kê khai không được thực hiện đến nơi đến chốn.

Để việc phòng ngừa tham nhũng theo "kênh" này đạt hiệu quả, có nhiều việc cần phải làm. Trong đó, cần công khai bản kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai không chỉ ở đơn vị công tác mà cả nơi cư trú. Bởi, ở cơ quan, nhân viên còn e dè, cả nể lãnh đạo còn ở nơi cư trú, người dân chẳng có gì ràng buộc mà phải e ngại. Nếu cán bộ có khuất tất chắc chắn người dân sẽ “truy” đến cùng và có nhiều cách chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng. Khi đó, việc xác minh, thanh tra, kiểm tra sẽ đúng trọng điểm, đúng đối tượng.

Thứ hai, đích đến cuối cùng của hành vi tham nhũng là kiếm chắc, vơ vét được nhiều tài sản, tiền của Nhà nước và Nhân dân cho bản thân và người thân. Để che giấu nguồn tài sản bất minh đó, họ sẽ có nhiều thủ đoạn gian dối, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài rất khó phát hiện. Để “vạch mặt, chỉ tên” tham nhũng cần có chứng cứ chính xác, cụ thể. Điều này chỉ có được thông qua việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Đây cũng là cách phát hiện và đề xuất các biện pháp bị các “lỗ hổng” mà những kẻ tham nhũng lợi dụng kê khai không trung thực hòng che giấu tài sản tham ô, tham nhũng.

Hoàng Minh