Năm 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Một trong những điểm mới của Thông tư này là Bộ GD-ĐT cho phép sửa đổi làm tròn điểm thi THPT Quốc gia.

Cụ thể, về việc chấm thi, khoản 1 Điều 25 được sửa đổi bổ sung như sau: Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Đây là điều khác biệt vì năm 2017, Bộ GD-ĐT lấy đến 0,25 điểm, không quy tròn điểm.

Việc sửa đổi làm tròn điểm thi THPT Quốc gia 2018 sẽ giúp cho thí sính có 3 môn cao thực sự trúng tuyển vào đại học hơn

Với quy chế mới, môn thi tự luận duy nhất còn lại ở kỳ thi THPT quốc gia 2017 là Ngữ văn sẽ không quy định lấy đến 0,25 như quy chế trước đây. Sẽ không còn những trường hợp các mức điểm lẻ khác nhau đều quy về bằng nhau theo các mức 0; 0,25; 0,5; 0,75 như trước đây. Như vậy, trong trường hợp thí sinh được 4,99 cũng không được quy tròn thành 5 điểm và sẽ khác biệt với thí sinh đạt 5,01.

Quy định mới sửa đổi làm tròn điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 cũng góp phần khắc phục bất cập trong trong kỳ thi năm 2017 khiến nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH vì quy tắc làm tròn điểm. Ví dụ như có thí sinh (khu vực 3) đạt tổng số điểm của tổ hợp xét tuyển khối B là 29,35 điểm vẫn trượt vào ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội vì theo quy tắc làm tròn, điểm của thí sinh giảm xuống còn 29,25.

Thí sinh học lực tốt thực sự sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển

Đề cập đến việc điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm nay, điểm chuẩn vào các ngành của trường cũng giảm khoảng 3 điểm so với năm 2017.

Cho dù điểm thi của thí sinh có được làm tròn từ 0,1; 0,2; 0,25 hay đến 0,01 thì trong quá trình xét tuyển vẫn xuất hiện trường hợp có trường ĐH phải sử dụng tiêu chí phụ. Tuy nhiên, nếu điểm thi của thí sinh được làm tròn đến 0,25 thì sẽ xảy ra tình trạng bất hợp lý là có em có tổng điểm thực tế 3 môn cao hơn bạn khác nhưng lại trượt ĐH vì tiêu chí phụ.

Còn năm nay, sẽ không xảy ra trường hợp như vậy nên những em có tổng điểm 3 môn lớn hơn sẽ đỗ ĐH trước. Sau đó, những em có tổng điểm 3 môn bằng nhau thì mới xét đến tiêu chí phụ. Đây là một sự công bằng cho những thí sinh có năng lực học tập tốt thực sự vào được ĐH, không phải dựa nhiều vào tiêu chí phụ.

Việc không làm tròn điểm thi chắc chắn sẽ giúp cho các trường dễ dàng tuyển sinh hơn và chuyện thắc mắc sẽ không xảy ra hoặc ít xảy ra hơn.

Chọn điểm chuẩn để dễ dàng hơn cho thí sinh

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, điểm chuẩn vào ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn năm nay giảm đồng đều ở tất cả các ngành so với năm 2017. Phổ điểm chuẩn năm nay ở các ngành thấp hơn so với năm ngoái từ 1 đến 3 điểm.

Với quy định sửa đổi làm tròn điểm thi THPT Quốc gia, PGS.TS Hoàng Minh Tuấn cho rằng không gây khó khăn nhiều cho các trường ĐH trong việc xét tuyển. Trong quá trình sàng lọc thí sinh ảo, nhà trường đều để ngưỡng điểm chuẩn cho các ngành từ khoảng 22-23 điểm.

Tuy nhiên, nhìn vào số lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu được giao, nhà trường có điều chỉnh khoảng 0,25 điểm, một số ngành điều chỉnh 0,10 điểm. So sánh giữa 0,25 và 0,10 không chênh lệch nhiều nên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn chọn ngưỡng giữa 0,25 và 0,15 để dễ dàng cho việc xét tuyển thí sinh và cũng thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc chọn ngành học.

Theo VOV