Đây là dự án được phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu hàng không Nam Phi và Trung tâm nghiên cứu laser Nam Phi. Toàn bộ chi phí nghiên cứu, phát triển và sản xuất máy in 3D này do Bộ Khoa học và Công nghệ Nam Phi tài trợ.
Các nhà khoa học Nam Phi cho biết máy in 3D (còn gọi là công nghệ in đắp lớp) do nước này chế tạo sử dụng vật liệu titan để tạo ra các lớp được in lần lượt chồng liên tiếp lên nhau và các lớp này có khả năng kết dính với nhau để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Nam Phi chế tạo thành công máy in 3D lớn nhất thế giới
Việc sử dụng titan - một loại kim loại quý hiếm để tạo mẫu giúp máy in 3D này có khả năng tạo ra những sản phẩm có kết cấu phức tạp với độ chính xác và hoàn thiện cao như linh kiện máy bay hay các dụng cụ dùng trong lĩnh vực y tế.
Theo Trưởng phòng kinh doanh của Trung tâm nghiên cứu laser Nam Phi Hardus Greyling, ngoài mục đích chế tạo những vật phẩm theo đơn đặt hàng, máy in 3D kích thước lớn đầu tiên của Nam Phi sẽ giúp các nhà khoa học nước này thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển để tiếp tục cho ra đời những máy in 3D ngày càng tiên tiến hơn.
In 3D, hay còn gọi công nghệ chế tạo đắp lớp, là quá trình tạo ra vật thể thật trong không gian 3 chiều với vật liệu được đắp lên và hình thành theo sự điều khiển của máy tính.
Chỉ với một bản vẽ kỹ thuật 3 chiều, công nghệ in 3D sẽ tạo ra các sản phẩm chi tiết mang đầy đủ yêu cầu và hình dáng mong muốn.
Khả năng tạo mẫu nhanh của máy in 3D đã được ứng dụng phổ biến rộng khắp nhiều lĩnh vực từ kiến trúc, xây dựng, thời trang, mỹ thuật, y học, giáo dục đến các ngành công nghiệp sản xuất khác như hàng tiêu dùng, ôtô, máy bay, vũ trụ.
Công nghệ 3D đã mang lại bước đột phá trong việc chế tạo các đồ vật, hiện thực hóa những ý tưởng thiết kế tưởng chừng chỉ tồn tại trên máy tính.
Theo vietnamnet.vn