Lao động có hợp đồng từ 1 đến 3 tháng đều tham gia BHXH bắt buộc (ảnh mang tính minh họa)

Mới làm việc tại công ty công nghệ thông tin hơn 1 tháng, Phan Gia Anh (22 tuổi, TP. Huế) quyết định xin nghỉ việc để chuyển sang công ty khác chuyên về kinh doanh thiết bị điện tử. Lý do chính mà Anh đưa ra là mức lương của công ty cũ chưa tương xứng: "Tôi phải tham gia khá nhiều dự án nhưng lương thử việc chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Chuyển sang chỗ làm mới, tôi được hưởng những chế độ đãi ngộ tốt hơn, mức lương 7 triệu đồng, nếu vào chính thức, sẽ có thêm tiền thưởng theo doanh thu". Đó chưa phải là điểm làm việc cuối cùng, vài tháng sau, tôi lại thấy Anh tiếp tục nhảy việc ở doanh nghiệp (DN) khác. Và chẳng có nơi nào Anh ký hợp đồng lao động để đóng BHXH.

Tâm lý của lao động nơi nào có lương cao, chế độ ưu đãi tốt lại "nhảy" việc ngày càng phổ biến. Thế nên, họ không muốn có sự ràng buộc khi DN yêu cầu ký hợp đồng lao động. Thực tế, ở nhiều DN, tỷ lệ nghỉ việc của lao động thời vụ rất cao, khoảng 50- 60%.

Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018, người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho lao động và phát triển đối tượng tham gia BHXH. Nhiều DN cho rằng, quy định mới đòi hỏi DN phải trả thêm một khoản kinh phí nhưng khó khăn nhất vẫn là lao động nghỉ việc giữa chừng. Giám đốc công ty TNHH Thịnh Phát (TP. Huế), chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ băn khoăn, DN làm việc với các đối tác nước ngoài nên họ rất chú trọng đến việc ký kết hợp đồng lao động. Đối tượng này khó nói lắm, DN mới ký hợp đồng tuần trước, nhưng có nơi làm việc tốt hơn, họ sẵn sàng nghỉ giữa chừng. Công ty tôi vẫn còn 2 cuốn sổ BHXH, không biết tìm họ ở đâu để trả”.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều DN lách luật không ký hợp đồng lao động bằng cách chuyển đổi hình thức từ hợp đồng lao động sang hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán, trả thù lao vài triệu đồng/vụ việc. Theo BHXH tỉnh, qua kiểm tra, đa số các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn không chấp hành và có hành vi lách luật bằng hình thức hợp đồng khoán theo khối lượng công việc, chấm công người lao động dưới 14 ngày trong tháng. Một số DN trả các mức phụ cấp thưởng, xăng xe…cao đột biến và cao hơn nhiều lần mức lương hàng tháng, dẫn đến mức lương và phụ cấp đăng ký đóng BHXH của người lao động thấp hơn nhiều lần so với mức lương hiện hưởng.

Lao động làm việc tại Công ty may Giả Trân (ảnh mang tính minh họa)

Theo quy định, có hai loại hình giao kết hợp đồng lao động theo văn bản hoặc lời nói. Trên thực tế, đã và đang tồn tại việc giao kết thông qua hình thức khoán sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để phát hiện việc trục lợi BHXH thông qua việc quyết toán các chi phí về lương của người sử dụng lao động. “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện những khoản chi phí về lương để miễn trừ thuế, từ đó, sẽ bóc tách và tìm ra những điểm bất hợp lý. Ngành BHXH phối hợp với ngành thuế trong việc quản lý danh sách trả lương, quyết toán thuế của DN”. Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh thông tin.

Hậu quả nhãn tiền không đóng BHXH đã rõ. Đã từng xuất hiện hàng chục lao động thời vụ chủ yếu là phụ hồ, thợ xây bị một đơn vị thầu xây dựng "xù" lương khiến nhiều người gặp khó khăn. Đa số, công nhân bị nợ lương đều làm thuê theo thời vụ, không có hợp đồng, cũng không phải đoàn viên công đoàn nên khi gặp sự cố, các ngành chức năng khó can thiệp. Bản thân lao động vì mưu sinh, lo sợ thất nghiệp nếu đòi hỏi quyền lợi nên phần lớn đành chấp nhận là những lao động “nhiều không”. Không có bất cứ ràng buộc pháp lý nào nên khi xảy ra sự vụ, công nhân phụ thuộc hoàn toàn vào sự “thương cảm” của chủ DN. Rất nhiều năm, số lao động bị tai nạn trong khi làm việc, dẫn đến thiệt mạng thường rơi vào lao động thời vụ. Không ít chủ sử dụng lao động bỏ mặc, phủi tay để mặc nạn nhân lâm vào khốn cùng. DN thường che giấu cơ quan chức năng, tự thỏa thuận với gia đình nạn nhân. Nhiều trường hợp không tự thỏa thuận được, xảy ra kiện tụng thì ngành chức năng mới biết.

Tình trạng doanh nghiệp tuyển dụng lao động "chui", không đóng bảo hiểm vẫn rất khó để ngăn chặn. Người lao động phải có hợp đồng lao động, nếu không các ngành chức năng không có lý gì để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Bài, ảnh: Huế Thu