Trở lại chuyện con riêng của chồng kiện mẹ kế

Theo ông Trần Thanh Bình cho biết: Ông Trần Thanh Việt và bà Trần Thị Hiền vốn là vợ chồng. Năm 1954, khi ông Trần Thanh Việt ra Bắc tập kết và chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Chởi, thì bà Trần Thị Hiền cũng tái giá với người chồng khác (ông Nguyễn Đăng). Nguồn gốc nhà và đất tranh chấp tại 86/21 Dương Văn An, Xuân Phú, Huế (trước là Thủy Phú, Hương Thủy), do ông Nguyễn Đăng và bà Trần Thị Hiền tạo lập. Năm 1966, ông Nguyễn Đăng qua đời và hai năm sau, bà Trần Thị Hiền cũng nối gót ra đi, nhưng cả hai đều không để lại di chúc. Sau khi hai ông, bà không còn nữa, bốn người con của ông Nguyễn Đăng và bà Trần Thị Hiền lần lượt vào Nam làm ăn sinh sống đến nay. Ngôi nhà chỉ còn ông (con của ông Trần Thanh Việt và bà Trần Thị Hiền) ở lại quản lý di sản.

Còn bà Trần Thị Chởi trình bày: Sau giải phóng, ông Trần Thanh Việt cùng bà và gia đình về sống chung với ông Trần Thanh Bình tại ngôi nhà nói trên. Do ngôi nhà bị hư hỏng nặng trong chiến tranh, vợ chồng bà bỏ tiền và công sức sửa chữa ngôi nhà cũ, xây dựng và canh tác thêm diện tích đất nhằm bảo đảm sinh hoạt gia đình. Năm 1979, ông Trần Thanh Bình lấy vợ, nhưng quá trình chung sống phát sinh mâu thuẫn, nên hai năm sau, vợ chồng ông đi ở tại phường Kim Long, Huế; còn ngôi nhà tạm giao cho vợ chồng bà sử dụng.
 

Ông Huỳnh Viết Thịnh - cán bộ Quản lý đô thị UBND phường - đang chỉ cho PV Báo Thừa Thiên Huế các ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Chởi đang ở (bên phải), và ông Trần Thanh Bình (phía sau)

 
Năm 1984, ông và bà làm đơn xin xác nhận quyền sở hữu nhà đất với diện tích đất 500m2 và gần một năm sau được UBND TP Huế phê duyệt. Năm 1991, sau khi chồng qua đời, bà cùng các con tiếp tục quản lý, sử dụng và kê khai đăng ký; đồng thời, thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất tại địa phương. 11 năm sau, bà cùng các con thỏa thuận tách một phần diện tích đất 100m2 giao cho ông Trần Thanh Bình quản lý, sử dụng và làm nhà kiên cố. Thời gian qua, ông Trần Thanh Bình đại diện cho các em cùng mẹ khác cha khởi kiện đòi lại nhà và đất hiện bà cùng các con đang sử dụng, nhưng gia đình bà không chấp nhận.
 
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 26/2007/DS-PT ngày 24/8/2007, TAND tỉnh quyết định: Sửa một phần quyết định sơ thẩm của TAND TP Huế; đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa nguyên đơn (ông Trần Thanh Bình) và bị đơn (bà Nguyễn Thị Chởi) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho ông Trần Thanh Bình... Tuy nhiên, sau khi xét xử phúc thẩm, ông này lại khiếu nại.
 
Ngoài ra, do ông Trần Thanh Bình phản ánh việc ông Trần Thanh Minh (con bà Nguyễn Thị Chởi) xây móng, tường và dựng nhà tạm trên đất đang tranh chấp, qua tìm hiểu, chúng tôi được ông Lương Vầy - Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phú - cho hay: Do trường hợp này xây dựng chưa có giấy phép của cấp có thẩm quyền, nên UBND phường nhiều lần lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200 ngàn đồng, cảnh cáo, buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, ông này vẫn không chấp hành, mà gần đây lại tiếp tục xây dựng thêm bức tường ngăn cách với nhà ông Trần Thanh Bình. Đến nay, gần năm năm trôi qua, nhưng qua khảo sát, chúng tôi thấy công trình xây dựng của đương sự vẫn chưa được cơ quan chức năng tháo dỡ để khôi phục hiện trạng ban đầu.
 
Tòa án cấp phúc thẩm: xét xử và ban hành bản án là sai
 
Chánh án TAND tối cao cho rằng: Những người thừa kế khối di sản nêu trên theo quy định của pháp luật là các con chung của ông Nguyễn Đăng và bà Trần Thị Hiền cùng con riêng của bà Trần Thị Hiền là ông Trần Thanh Bình. Do thời điểm bà Trần Thị Hiền qua đời, ông Trần Thanh Việt đã đi lấy vợ khác và bà Trần Thị Hiền cũng có chồng khác, nên ông Trần Thanh Việt không được hưởng di sản thừa kế của bà. Tuy nhiên, gia đình bà Nguyễn Thị Chởi có công sức trong việc duy trì quản lý tài sản. Sau khi tách công sức của ông Trần Thanh Việt và bà Nguyễn Thị Chởi, còn lại là di sản thừa kế của ông Nguyễn Đăng và bà Trần Thị Hiền. Hiện, bà Nguyễn Thị Chởi và năm người con của bà đang sinh sống trên nhà, đất, do ông Nguyễn Đăng và bà Trần Thị Hiền để lại, thì những người thừa kế di sản của hai người này có quyền khởi kiện để đòi lại tài sản đó.
 
Theo hướng dẫn tại điểm b, tiểu mục 2.4, phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, trường hợp đòi lại tài sản thừa kế, do người khác đang chiếm hữu, không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Các em cùng mẹ khác cha của ông Trần Thanh Bình đã có văn bản ủy quyền cho ông đòi lại tài sản, do cha mẹ để lại chứ không phải chỉ một mình ông khởi kiện. Nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại lý giải: Đây là tài sản chung của nhiều người, ông Trần Thanh Bình chỉ có quyền kiện chia thừa kế và đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Còn tòa án cấp phúc thẩm khẳng định: không đủ điều kiện để áp dụng chia tài sản chung cũng là sai.
 
Về tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Do đương sự kháng cáo quyết định sơ thẩm, nên theo điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự, lẽ ra Tòa án cấp phúc thẩm chỉ mở phiên họp và ra quyết định phúc thẩm, nhưng cơ quan này lại mở phiên tòa xét xử công khai và ban hành bản án là không đúng.
 
Vì các lẽ trên, Chánh án TAND tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị nói trên đối với bản án phúc thẩm nói trên của TAND tỉnh. Theo đó, Chánh án TAND tối cao đề nghị Tòa Dân sự TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm: Hủy bản án dân sự phúc thẩm và Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm của TAND TP Huế; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Huế xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Bài, ảnh: Vĩnh Cự