Theo đó, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 1.200m2, do Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với quy mô: tôn tạo 3 cửa hầm và gia cố mái taluy cửa hầm; phục dựng lại 02 bếp Hoàng Cầm, 03 hầm cảnh vệ và khoảng 100m giao thông hào; xây mới nhà bia di tích và biển giới thiệu di tích; xây dựng mới cầu tàu, đường giao thông, lan can và chòi nghỉ. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 5,1 tỷ đồng; thực hiện trong vòng 03 năm.

Tháng 8/1967, địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế khởi công xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế chỉ huy mặt trận và đồng chí Đặng Kinh - Phó Tư lệnh quân khu, Uỷ viên thường vụ Khu ủy. Địa đạo là cơ quan đầu não của Khu uỷ Trị Thiên, Thành uỷ Huế chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng quân giải phóng trước và sau cuộc tấn công xuân năm 1968. Ngoài trọng trách là cơ quan chỉ huy tối cao trên chiến trường Trị Thiên Huế, địa đạo còn là cầu nối ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng.
 
Di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia năm 1996. Hiện 3 miệng cửa hầm đã bị đất lấp, các bếp Hoàng Cầm, hầm cảnh vệ, giao thông hào bằng tranh tre và đất nên đã hư hỏng hoàn toàn. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích này có ý nghĩa quan trọng, bảo tồn các giá trị lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc.
Trần Dương