Lễ hội Sen 2018 được tổ chức nhưng chưa thu hút được nhiều du khách

Cận ngày mới quảng bá

Cuối tháng 6 vừa qua, lễ hội Sen lần đầu tiên được tổ chức. Lễ hội cũng là bước khởi đầu cho đề án định kỳ mỗi tháng mỗi sự kiện do Sở Du lịch thực hiện trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Có thể lần đầu tổ chức nên đánh giá của giới chuyên môn về lễ hội này chưa được cao và thực tế lễ hội cũng chưa thu hút được nhiều du khách. Trong khi mục đích sau cùng là tạo sự kiện để thu hút khách đến Huế nhiều hơn.

Chưa tính đến công tác tổ chức và quy mô, khả năng quảng bá của lễ hội là chưa tốt. Chỉ còn chưa đến 1 tuần trước ngày khai mạc, các thông tin của lễ hội mới được công bố chính thức, các pa-nô quảng cáo cũng mới dựng lên ở một số tuyến đường. Nhiều du khách đến với lễ hội cũng chỉ là tình cờ, “gặp may” khi đến Huế có lễ hội nên tham gia.

Một lễ hội khác sắp được diễn ra là lễ hội Thanh trà 2018, khi mùa thanh trà của Huế sắp thu hoạch. Không phải lần đầu, 2018 đã là lần thứ 6 lễ hội được tổ chức. Vậy mà đến hiện tại vẫn chưa có thông tin nào về thời gian, quy mô và cả địa điểm. Với thời gian cận kề như thế thì lượng khách ngoại tỉnh và quốc tế sẽ không biết và dự báo sẽ đến không được nhiều. Ông Võ Đăng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều (TP. Huế) thông tin, những lễ hội trước, khách đa số là trong tỉnh, còn khách du lịch khá ít, chủ yếu là khách lẻ.

Nếu làm tốt, lễ hội diều không chỉ thu hút học sinh mà cả du khách

Đó là hai ví dụ mang tính thời sự nhất, vừa mới diễn ra và sắp diễn ra, còn nhiều lễ hội khác nữa vẫn rất hạn chế trong khâu quảng bá. Trong những tháng tiếp theo, dự kiến hàng loạt lễ hội được tổ chức như: lễ hội diều, lễ hội múa lân, lễ hội trà... Nhưng sự chủ động là chưa cao. Một cán bộ làm trong ngành du lịch cho rằng, không phải không muốn quảng bá sớm, nhưng phải gần ngày khai mạc mới có quyết định tổ chức lễ hội nên dẫn đến chậm trễ.

Theo số liệu mới đây của Sở Văn hóa và Thể thao, tỉnh ta có gần 500 lễ hội được tổ chức theo định kỳ; trong đó, có khoảng 65 lễ hội tiêu biểu, bao gồm các lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội mới. Xét về khả năng thu hút khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch cho biết, để xây dựng tour tuyến, thông tin về các lễ hội phải cần được công bố trước đó ít nhất 3 tháng với khách quốc tế và 1 tháng với khách nội địa.

Cần có “công nghệ” tổ chức

Huế có nhiều lễ hội, nhưng chưa thể xâu chuỗi thành hệ thống, chưa quy về được một mối để tổ chức. Ngay cả các lễ hội trên địa bàn TP. Huế, một số lễ hội do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, một số do Sở Du lịch, một số do UBND TP. Huế, Festival Huế do Trung tâm Festival Huế tổ chức… Điều dễ nhận thấy là, lễ hội không do một đơn vị chuyên về lễ hội tổ chức thì ngay từ xây dựng nội dung sẽ gặp nhiều khó khăn.

Huế có thế mạnh trong cạnh tranh về du lịch là văn hóa, trong văn hóa lễ hội là một phần quan trọng. Tổ chức nhiều lễ hội chưa chắc đã thu hút nhiều khách, mà chỉ cần chọn ra những lễ hội tiêu biểu nhất, thể hiện văn hóa Huế nhất, hấp dẫn nhất và phân chia định kỳ theo từng tháng để tổ chức. Khi đã định hình được bộ khung của chuỗi các lễ hội, công tác quảng bá cần sớm tiến hành. Không cần quá cụ thể về nội dung, chỉ cần thời gian và một vài thông tin giới thiệu sơ lược về ý tưởng là đã có thể quảng bá, gửi đến các công ty lữ hành để xây dựng tour. Chẳng hạn như các lễ hội cho năm 2019, ngay từ bây giờ đã cung cấp đến các hãng lữ hành.

Lợi thế của Huế là đa dạng các lễ hội, chẳng khác gì “mỏ vàng” mà Huế đang nắm giữ. Điều quan trọng là khai thác như thế nào, có “công nghệ” tổ chức, không làm mất đi giá trị truyền thống mà vẫn đủ sức hấp dẫn.

Bài, ảnh: Đức Quang