Trước tiên nói về việc cải cách bộ máy. Cải cách bộ máy nhà nước là điều chúng ta đã nghe rất nhiều. Bộ máy nhà nước hiện nay hết sức cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả và là một gánh nặng cho ngân sách. Chi hàng năm để nuôi bộ máy chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng nguồn chi ngân sách. Nhiều lần cải cách và tinh giản biên chế vẫn không thực hiện được vì sự “trì kéo của nhiều lợi ích cục bộ”. Đến thời điểm này, có vẻ như “sức chịu đựng” của cả nguồn ngân sách và quyết tâm chính trị về cải cách đã quá giới hạn. Vì vậy, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế là việc buộc phải làm và làm quyết liệt. Nghĩa là không thể có du di và trì hoãn. Ví dụ như Bộ Y tế tính toán: “… Nếu hợp nhất 420 trung tâm y tế huyện và 420 bệnh viện đa khoa huyện, riêng ngân sách nhà nước chi cho lãnh đạo 840 đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ giảm 121 tỷ/năm. Đồng thời sẽ giảm được số lượng người làm hành chính khoảng 10.899 người (lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán), ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỷ đồng/năm.” (nguồn chinhphu.vn). Ở đây, mới chỉ có một bộ, và cũng chỉ mới tính toán ở một vài lĩnh vực hoạt động, ngoài tiết kiệm ngân sách, thì chúng ta thấy một lượng lớn lao động sẽ được giảm. Lượng lao động này sẽ đi đâu ? Có thể có những người có cơ hội sẽ “chuyển dịch” trong chính ngành y tế ở khu vực tư nhân, nghĩa là không hưởng lương từ ngân sách, nhưng không dễ gì khu vực này giải quyết được hết một lượng lớn lao động như vậy. Điều đó cũng có nghĩa sẽ có một lượng lao động không nhỏ sẽ được (bị) đẩy ra khu vực lao động phi chính thức.
Một lực lượng lao động khác sẽ tham gia vào khu vực lao động phi chính thức đó là khi ngành công nghiệp ngày càng phát triển và phát triển ở trình độ cao, tự động hóa được ứng dụng nhiều hơn và ngày càng rộng rãi thì nhiều lao động cũng sẽ bị đẩy ra khu vực này. Ngoài bị thiết bị máy móc tự động hóa thay thế, thì có một thực tế khác mà chúng ta cũng đã từng nghe từ những nhà nghiên cứu kinh tế, đó là đã có hiện tượng doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) “tìm nhiều cách để sa thải lao động” có tuổi đời cao để giảm gánh nặng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và một số chi phí khác cho doanh nghiệp.Trước hết là ở khu vực kinh tế FDI nhưng dễ sẽ lan ra các khu vực kinh tế khác.
Rất có thể, những nguồn lao động “khổng lồ” nói trên dịch chuyển sẽ góp phần định hình lại chất lượng của nguồn nhân lực. Nhưng cũng có thể thấy, nếu nó diễn ra, trước mắt sẽ có những tác động bất lợi cho việc ổn định đời sống của người lao động nói riêng và xã hội nói chung.
Ai cũng biết, năng suất lao động của Việt Nam thuộc vào hàng thấp trong khu vực. Nếu lực lượng lao động này chuyển sang các ngành nghề khác thì phải có thời gian để học tập thay đổi nghề. Nếu như làm được nghề rồi, vì “trái nghề” cho nên năng suất lao động cũng không cao. Vì vậy sẽ rất khó đẩy năng suất lao động của Việt Nam có bước phát triển đột phá để đưa nền kinh tế phát triển nhanh. Một vấn đề khác, một lực lượng lớn lao động được đẩy ra khu vực lao động phi chính thức, thì chúng ta hình dung sẽ có nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực việc làm. Hơn nữa, khi thu nhập của người dân không cao, nó cũng rất khó kích thích cho các loại hình dịch vụ phát triển.
Đó là một bài toán khó đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải lường trước và trăn trở để có hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả.
Lê Phương