Trái đất nóng lên gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: Eurasiareview

“Nhà kính” toàn cầu

Nếu băng ở các cực tiếp tục tan chảy, rừng bị tàn phá và khí nhà kính vẫn gia tăng hằng năm như hiện nay, Trái đất sẽ vượt qua điểm tới hạn. Một khi đã vượt qua ngưỡng đó, “khí hậu sẽ nóng hơn thời kỳ tiền công nghiệp từ 4-5 độ C, và mực nước biển sẽ dâng cao hơn từ 10-60 mét so với hiện tại”, các nhà khoa học cảnh báo trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Đáng lo ngại, các chuyên gia cho rằng điều này có thể xảy ra “chỉ trong vài thập kỷ tới”, AFP đưa tin.

Theo nghiên cứu của Đại học Copenhagen, Đại học Quốc gia Úc và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam ở Đức, “nguy cơ Trái đất trở thành một nhà kính khổng lồ có khả năng không kiểm soát được và sẽ gây nguy hiểm đối với nhiều người”. Khi đó, nhiều con sông sẽ tràn bờ, mưa bão sẽ tàn phá các cộng đồng ven biển, và các rạn san hô đối diện với nguy cơ biến mất - tất cả có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này hoặc thậm chí sớm hơn.

Cũng theo nghiên cứu trên, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ vượt quá mức nhiệt trung bình của mọi thời kỳ gian băng (thời gian xen giữa các Kỷ Băng Hà khi nhiệt độ Trái đất ấm hơn làm tan băng ở các cực) trong 1,2 triệu năm qua. Khi băng ở các cực tan chảy sẽ dẫn đến mực nước biển dâng cao đáng kể, gây ngập lụt các vùng đất ven biển - nơi hàng trăm triệu người đang sinh sống.

“Nhiều nơi trên Trái đất lúc đó sẽ không thể ở được nếu "nhà kính Trái đất" trở thành hiện thực”, đồng tác giả Johan Rockstrom, Giám đốc điều hành của Trung tâm phục hồi Stockholm cho biết.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, điểm tới hạn có thể xảy ra khi Trái đất nóng lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hành tinh này hiện đã tăng 1 độ C và đang nóng lên với tốc độ 0,17 độ C mỗi thập kỷ.

“Sự nóng lên 2 độ C có thể kích hoạt các yếu tố quan trọng, làm nhiệt độ tăng cao hơn nữa, kích hoạt các yếu tố khác tiếp tục gây ra nhiều thay đổi giống như một chuỗi  domino, khiến Trái đất ngày càng nóng hơn”, báo cáo cho biết.

Thiệt hại nghiêm trọng

Báo cáo trên được đưa ra giữa lúc châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới phải đối mặt với nền nhiệt cao gần chạm mức kỷ lục. Nắng nóng dẫn đến cháy rừng ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ... làm tan chảy sông băng trên dãy núi Kebnekaise, Thụy Điển. Mức nhiệt thiêu đốt cũng làm hơn 70.000 người ở Nhật Bản phải nhập viện do say nắng hoặc kiệt sức chỉ trong vòng 3 tháng qua, với 138 người chết do các bệnh liên quan đến nhiệt, theo dữ liệu từ Cơ quan Cứu hỏa và Phòng chống Thiên tai Nhật Bản ngày 7/8.

Trong một nghiên cứu được công bố tuần trước, các nhà phân tích cho rằng, nhiệt độ tăng trong một thế giới nóng lên sẽ khiến các nước nghèo thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm. Cụ thể, trong vòng 30 năm tới, người lao động thủ công trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác mỏ, dầu khí và sản xuất - vốn phổ biến nhất ở các nền kinh tế mới nổi - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức nhiệt cao hơn, dẫn đến sự sụt giảm năng suất lao động do người dân bị sốc nhiệt, suy giảm thể lực do nắng nóng. Điều này có thể gây thiệt hại khoảng 78 ​​tỷ USD/năm ở Đông Nam Á, và gần 10 tỷ USD/năm ở Tây Phi, báo cáo nêu rõ.

Việc đô thị hoá nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi này cũng sẽ làm tăng nhu cầu năng lượng, và nhu cầu làm mát - chẳng hạn như điều hòa không khí - sẽ tăng cao khi nhiệt độ tăng, dẫn đến mất điện thường xuyên hơn. Song song đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng cảnh báo rằng nhiệt độ cao, liên quan đến biến đổi khí hậu, có khả năng gây thêm 38.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2050.

Hành động khẩn cấp

Trước thực trạng này, mọi người dân cần ngay lập tức thay đổi lối sống của mình để trở thành những chủ nhân tốt hơn của Trái đất. Tác giả chính của nghiên cứu – ông Will Steffen từ Đại học Quốc gia Úc cho rằng, "để tránh kịch bản này đòi hỏi phải chuyển hướng hành động của con người từ khai thác đến quản lý các hệ thống trên Trái đất”.

Theo đó, nhiên liệu hóa thạch phải được thay thế bằng nguồn năng lượng phát thải thấp hoặc thậm chí bằng không, và cần có nhiều chiến lược hơn để hấp thụ lượng khí thải carbon, chẳng hạn như hạn chế phá rừng và tăng cường trồng cây để hấp thu carbon dioxide. Ngoài ra, danh sách các hành động cần thực hiện phải kể đến còn bao gồm việc tăng cường và tạo ra các “hàng rào” carbon sinh học mới thông qua cải thiện hệ thống rừng, quản lý đất đai và canh tác tốt hơn, nghiên cứu và phát triển các công nghệ loại bỏ carbon dioxide trong bầu không khí và lưu trữ dưới lòng đất.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một nhận định đáng lo ngại rằng, ngay cả khi con người ngừng phát thải khí nhà kính, xu hướng nóng lên hiện tại vẫn có thể tiếp tục gây ra các sự thay đổi như tan băng ở các cực, lượng tuyết bao phủ Bắc bán cầu biến mất, đồng nghĩa với sự nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn ở một mức độ nào đó.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ AFP, Devdiscourse & Japantimes)