PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế khẳng định, ĐH Huế và các trường thành viên, khoa, phân hiệu trực thuộc đã nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra điểm chuẩn cho từng ngành, nhóm ngành. Những mặt thành công hay chưa được của mùa tuyển sinh 2018 và những năm trước đó sẽ được ĐH Huế rà soát, tính toán kỹ để thực hiện tái cấu trúc ngành nghề trong tương lai.

Nhiều người cho rằng điểm chuẩn ĐH Huế vừa công bố khá thấp, ông nghĩ sao về điều này?

Nhìn chung, điểm chuẩn của các trường ĐH toàn quốc năm nay đều thấp hơn năm 2017 chứ không phải riêng ĐH Huế hay bất cứ trường thành viên, đơn vị trực thuộc nào. Mức điểm chuẩn của ĐH Huế có nhiều nhóm và khối ngành khác nhau. Xét theo từng nhóm ngành, như nhóm ngành hằng năm lấy điểm cao trên 25 điểm, nhất là Trường ĐH Y dược thì có giảm nhưng đó là bối cảnh chung. Trường ĐH Y dược, ĐH Huế cũng chỉ thấp hơn khoảng 1 điểm so với Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ở nhóm 2 là các ngành khoa học cơ bản của Trường ĐH Khoa học và Trường ĐH Nông lâm. Nhóm này cơ bản vẫn giữ được “sàn” như các năm nhưng không tăng được điểm chuẩn. Mặt bằng chung về điểm chuẩn khối nông - lâm - ngư cả nước hiện nay như nhau. Mặc dù đây là nhóm ngành có cơ hội việc làm tốt hiện nay, nhưng ít thu hút thí sinh đăng ký nên điểm đầu vào không cao, nhiều ngành phải lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn.

Điểm chuẩn ngang sàn nhưng không phải tất cả thí sinh đều có điểm thấp, mà tỷ lệ từ 16 - 18 điểm vẫn nhiều, nhưng phải lấy ở mức điểm đó để cơ bản đủ chỉ tiêu và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép. Theo thống kê, số thí sinh có từ 20 điểm trở lên của ĐH Huế là 2.984, con số này là khá cao.

Qua nghiên cứu các năm, mức điểm chuẩn ĐH Huế và các trường đưa ra đủ khả năng để đào tạo; sinh viên ra trường đáp ứng được công việc đúng chuyên môn. So với các đơn vị, như Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên và một số đơn vị khác thì mặt bằng chung đều từ 13 - 16 điểm.

 

Đầu vào chất lượng giúp đầu ra tốt hơn. Ảnh: SVY

Với mức điểm như thế, liệu có ảnh hưởng đến thương hiệu của ĐHH không, thưa ông?

ĐH Huế đã khẳng định được thương hiệu và duy trì một số ngành điểm cao. Ngoài Trường ĐH Y dược, một số cơ sở giáo dục khác cũng có điểm chuẩn khá cao, như Trường ĐH Ngoại ngữ, nhiều ngành lên đến 20 - 21 điểm. Nhóm ngành du lịch, kinh tế cũng tương đối cao, nhiều ngành 16 - 17 điểm. Đối chiếu mặt bằng tổng thể chung cả nước, như thế là khá tốt. Tất nhiên, có những trường ở top trên và ĐH Huế cũng cần nỗ lực hơn, song trong bối cảnh khu vực tuyển sinh của ĐH Huế ở miền Trung, Tây Nguyên có phổ điểm là 14 - 15 thì cơ bản ĐH Huế đã tuyển sinh tốt.

Khối ngành sư phạm dù giảm mạnh do điểm sàn Bộ GD&ĐT quy định 17 điểm, nhưng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế thuộc dạng thu hút thí sinh tốt so với các trường sư phạm trong cả nước, theo hồ sơ thí sinh đăng ký được gần 800 thí sinh. Các năm thì sàn là 14 – 15 điểm nên có thể nói mức điểm sàn năm nay (17 điểm) tương đối đạt chuẩn, nhiều ngành khó có thể lấy điểm chuẩn cao hơn.

Khó khăn nhất là khối ngành khoa học cơ bản, cần cơ chế của Nhà nước. Thực ra, Nhà nước đã có một số cơ chế đặc thù cho khối ngành này nhưng hiện vẫn còn một số vướng mắc chưa thể tháo gỡ được.

Nhưng một số ngành khoa học cơ bản hiện nay xã hội có nhu cầu mà điểm chuẩn vẫn chưa cao. Lý do tại sao, thưa ông?

Rõ nhất là ngành báo chí và công nghệ thông tin, đúng là điểm chuẩn không quá 13,75. Lý do vì số lượng chỉ tiêu tuyển đông nên mức điểm chuẩn chưa cao. Tinh thần hiện nay của Nhà nước là những ngành xã hội có nhu cầu thì cần tăng cường đào tạo và hướng đến có cơ chế đặc thù.

Thí sinh xác nhận nhập học tại ĐH Huế sau khi nhận thông báo trúng tuyển đợt 1

Những ngành đầu vào thấp liệu có ảnh hưởng đến quá trình đào tạo?

Tôi nghĩ, đó chỉ là một khía cạnh thôi. Thực ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo có nhiều khía cạnh và cả quá trình với nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau từ đầu vào đến đầu ra; nhiều nước trên thế giới họ khá mở về đầu vào, nhưng thắt chặt đầu ra và chúng ra hiện nay cũng đang triển khai theo hướng này. Trong quá trình đào tạo còn có rất nhiều khâu từ kiểm tra, giám sát, chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp…

Đương nhiên, điểm chuẩn vừa qua của một số nhóm ngành, khối ngành là chưa cao nhưng ĐH Huế cũng đã cân nhắc nguyện vọng của các trường mong muốn đáp ứng được điều kiện chỉ tiêu. Nguyện vọng 1 rất quan trọng, khi lấy điểm cao thí sinh sẽ chọn các ngành, trường khác. Trong khi đó, với thí sinh thì nguyện vọng 1 là đam mê ngành nghề, cũng là nguyện vọng chính đáng nhất của thí sinh.

ĐH Huế hướng đến trở thành ĐH nghiên cứu. Đầu vào thấp có phải là rào cản không, thưa ông?

Số lượng thí sinh đầu vào thấp (nhưng vẫn đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng) chỉ là một phần trong tổng thể số lượng tuyển sinh, vẫn có những thí sinh khá, giỏi, xuất sắc. Họ có thể nỗ lực học tập, khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học. Theo thống kê, với mức điểm chuẩn vừa công bố, ĐH Huế có gần 3.000 thí sinh có điểm từ 20 điểm trở lên. Tôi tin, không chỉ những thí sinh này mà nhiều thí sinh khác nỗ lực đều có thể đáp ứng tốt quá trình học tập cũng như nghiên cứu khoa học.

Ngoài nỗ lực của người học, còn có vai trò của giảng viên và nhà trường, môi trường học tập. Các vấn đề này, chúng tôi đang rất quan tâm và ngày càng thay đổi để hoàn thiện hơn.

Khả năng các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐHH sẽ tuyển đủ chỉ tiêu?

Sau khi chốt điểm chuẩn, ĐH Huế có khoảng 104% thí sinh (tính theo hồ sơ). Thông thường ĐH Huế tuyển được 75 - 80% sau khi thí sinh nhập học đợt 1, đó đã là con số thành công mà nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước mong muốn.

Thời gian tới, ĐH Huế sẽ làm gì để tuyển sinh tốt hơn mà không phải hạ điểm chuẩn?

Sau mùa tuyển sinh 2018, ĐH Huế sẽ tập trung nghiên cứu, tái cấu trúc lại ngành nghề, có thể nhóm một số ngành, nghề lại.

Những ngành sau 2 - 3 năm tuyển sinh thấp thì có thể tạm dừng hoặc nhập vào nhóm ngành, thu hẹp chỉ tiêu. Tinh thần sẽ chú trọng các ngành mũi nhọn và trường nào cũng phải có các ngành mũi nhọn. Đơn cử như Trường ĐH Nông lâm sẽ đẩy mạnh các nhóm ngành chăn nuôi - thú y, công nghệ thực phẩm, nông học…

Đối với khối ngành năng khiếu, thí sinh hiện nay ít thi, song một số ngành cần thiết phải giữ lại thì ĐH Huế sẽ có phương án tính toán kỹ, trong đó cũng có cơ chế đặc thù, hỗ trợ cho một số ngành để duy trì tốt hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

HỮU PHÚC (Thực hiện)