Xuất khẩu gỗ và lâm sản là ngành kinh tế có nhiều thế mạnh của nước ta. Thực tế những năm qua, ngành này luôn có mức tăng trưởng cao, bình quân 15%/năm, đạt gần 8 tỷ USD trong năm qua. Thủ tướng giao chỉ tiêu, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 9 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

Với Thừa Thiên Huế, nghề trồng rừng và chế biến gỗ xuất khẩu trong những năm qua phát triển khá mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Theo kế hoạch phát triển xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2017-2020 (Kế hoạch 119/KH-UBND, ngày 19/5/2017), phấn đấu đến năm 2020 mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim gạch xuất khẩu 156 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12,5%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước.

Căn cứ dư địa, thị trường, công nghệ, năng lực doanh nghiệp… mục tiêu này không phải khó thực hiện. Cái khó ở đây là việc chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Tôi từng tiếp xúc với một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ, lãnh đạo của các doanh nghiệp luôn canh cánh nỗi lo nguyên liệu sản xuất. Bởi lẽ, gỗ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm do chính sách đóng cửa rừng là xu hướng chung của các quốc gia. Trong khi gỗ rừng trồng chỉ có một phần nhỏ đáp ứng được yêu cầu sản xuất, còn lại chủ yếu bán dăm nguyên liệu do kích cỡ quá nhỏ. Đây cũng là thực trạng chung của ngành chế biến gỗ nước ta, đặt ngành lâm nghiệp cần có những bước thay đổi căn cơ trong chiến lược phát triển rừng trồng.

Để giải bài toán nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, tỉnh cũng ban hành kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2017-2020 (Kế hoạch 204/KH-UBND, ngày 28/12/2016), với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 13.000 ha rừng gỗ lớn. Trong đó, tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC- Forest Stewardship Council (Hội đồng quản lý rừng) là 40% so với diện tích rừng gỗ lớn tương đương 5.000 ha rừng trồng sản xuất sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường.

Nhằm đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh đã thành lập Hội Chủ rừng Phát triển Bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế với chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ rừng hộ gia đình quy mô nhỏ trong hoạt động kinh doanh rừng bền vững; thúc đẩy các chủ rừng tích cực hưởng ứng tham gia vào hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất lâm nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng như sử dụng cây keo lai mô trong trồng rừng thâm canh gỗ lớn, tỉa thưa rừng keo trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng...

Với việc chủ động khá sớm của tỉnh, hy vọng chỉ dăm năm nữa nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ sẽ dồi dào hơn. Vấn đề cần quan tâm, bên cạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cần làm tốt công tác truyên truyền để người dân thấy được lợi ích kép trong việc thâm canh trồng rừng gỗ lớn để tăng nhanh diện tích rừng trồng thâm canh gỗ lớn. Đây cũng là giải pháp quan trọng để từng bước chuyển đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay, phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Hoàng Minh