Con số thống kê thú vị

Từ hơn 40 năm trước, khi ngôi sao Hollywood Tippi Hedren đến thăm một trung tâm của người Việt ở California, bộ móng tay rực rỡ của bà khiến những phụ nữ ở đó lóa mắt.

Nhân viên làm móng trong một tiệm nail ở Florida

Sau đó, Hedren đã mang người thợ làm móng riêng của mình đến dạy cho một nhóm 20 người Việt về nghệ thuật cắt sửa móng tay. Những phụ nữ này đã góp phần khởi đầu một ngành dịch vụ ngày nay có giá trị gần10 tỷ USD, chủ yếu được thực hiện bởi người Mỹ gốc Việt.

Theo báo cáo thống kê của ngành làm đẹp, tiệm nail có nhiều nhất theo thứ tự ở tiểu bang California, Texas rồi đến Florida. Rất nhiều người Mỹ gốc Việt đã ăn lên làm ra ở Mỹ nhờ ngành công nghiệp “không khói” này.

Nghề nail đã nhanh chóng trở thành nghề sống còn của cộng đồng người Việt, đồng thời cũng đã phát triển thành nhiều dịch vụ làm đẹp đa dạng khác ở  Mỹ.

Theo Tạp chí Nails (Nails Magazine), người Mỹ gốc Việt nắm giữ đến 50% ngành công nghiệp nail ở Mỹ và ông Hannah Lee, Tổng Biên tập tạp chí Nails cho rằng, người Việt đã chiếm lĩnh ngành công nghiệp làm móng ở Mỹ bởi có rất nhiều cơ sở làm móng tại Mỹ sử dụng lao động gốc Việt hoặc do người gốc Việt làm chủ. Con số này ở bang California lên tới 80%. Tính riêng tại Florida, người Việt sở hữu 62% trong tổng số gần 2.000 tiệm nail có đăng ký hoạt động.

Những “nghệ sĩ" của ngành nail 

Sau gần 5 năm sang Mỹ, với nhiều cuộc hò hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp lại hai cô bạn học cùng Trường Nguyễn Huệ sau 20 năm xa cách giữa lòng thành phố Anaheim thuộc bang California- nơi có khu kinh tế Sài Gòn thu nhỏ (Little Saigon) vốn nổi tiếng với những món ăn rặt Huế. Và dĩ nhiên ở đây tiệm nail không thiếu.

Q. kể, sau công việc khó khăn khi mới định cư, bây giờ cô đã trở thành bà chủ tiệm nail với gần 20 thợ chính cứng tay kèm dàn quản lý giỏi giang với nguồn thu nhập đáng kể. Tiệm cũng đã đào tạo được rất nhiều thợ sau này trở thành chủ nhân của nhiều tiệm nail khác.

Riêng T. thì giờ đã là chủ tiệm làm tóc có tiếng trong thành phố cùng với gia đình hạnh phúc có hai con trai lớn.

T. trải lòng: “Công việc tuy vất vả nhưng cho thu nhập tương đối, đủ trang trải cho cuộc sống và gửi về quê giúp đỡ bà con, những hoàn cảnh khó khăn và dự định tích cóp ít vốn liếng để hồi hương khi về già". Có lẽ, nghề làm nail cũng là một biểu tượng của sự vươn lên của người Việt tại Hoa Kỳ. 

Chạy dọc bờ biển xanh ở thành phố biển West Palm (Florida), tôi đùa với P. rằng:  “Nghề nào cũng có Tổ nghiệp nên có lẽ lấy ngày sinh của bà diễn viên Tippi Hedren để làm ngày giỗ Tổ”, bạn cười vang và gật đầu đồng ý.

P. chia sẻ thêm, nghề làm nail phải tiếp xúc với nhiều loại hóa chất, trong đó có những hóa chất độc hại trực tiếp hay gián tiếp. Những hoá chất này có thể gây ra những nguy hại tại chỗ hoặc từ từ, có thể xảy ra nhiều năm sau khi đã bỏ nghề làm nail và chuyển sang nghề khác.

Có lẽ vì vậy nên rất dễ thấy những nailist khi làm việc đều phải đeo khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình.

Thợ làm móng tay (tiếng Anh gọi là manicurists) là nghề không cần phải mất quá nhiều thời gian để học nên đa số người Việt Nam khi sang Mỹ đều có thể bắt tay vào việc ngay. Nhờ sự cần cù, chịu khó nên người Việt đã tạo nên một nền “công nghiệp” thành công ở nước ngoài. Ngoài làm móng, họ còn phục vụ các dịch vụ khác như kẻ lông mày, đắp lông mi giả, tẩy lông chân, mát xa mặt...

Nhưng tôi không muốn gọi họ là “manicurist” bình thường mà trìu mến gọi thành “nailist” – những nghệ sĩ cho ngành nail bởi ngày nay những bộ móng tay đã được sơn vẽ, trang trí đẹp tỉ mỉ không kém những tác phẩm hội hoạ thu nhỏ. Tận mắt xem họ làm việc, với tôi thực sự đó là những “nghệ sĩ của ngành nail”.

Kimmy – một nhân viên nữ của P. trải lòng: "Em đã giấu gia đình đi làm thêm nghề nail khi qua Mỹ du học vì sợ bị dị nghị. Cũng nhờ việc làm thêm này mà em trang trải thêm nhiều cho cuộc sống đắt đỏ ở đây!”.

Nỗi lòng của họ chia sẻ cũng chỉ muốn mọi người đỡ khắt khe hơn với nghề làm nail ở Mỹ vốn được cho là một nghề bình dân khi giờ đây, nghề nail đã trở thành nghề cha truyền con nối của một bộ phận người Việt ở đây. 

Tôi biết, dù lo lắng cho sức khỏe khi làm một nghề độc hại nhưng thỉnh thoảng, P. cũng đưa con gái cùng ra tiệm để truyền nghề. Và  con gái không phụ công cha khi đã có một bộ sưu tập móng tay được sơn theo sự sáng tạo của mình.

Có lẽ đó không chỉ đơn thuần vì miếng cơm manh áo. Đó còn là tình yêu với một công việc đầy sáng tạo. Và cả lòng tri ân chăng, với một nghề đã cưu mạng họ trên đất khách?.

Bài, ảnh: Phan Quốc Vinh