Trường hợp cháu ruột tôi là một ví dụ. Tốt nghiệp đại học mấy năm nhưng không tìm được việc phù hợp, hai vợ chồng cháu quyết định dắt díu nhau cùng đứa con 2 tuổi vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc. Có được việc làm, rời nhà trọ từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về đến nhà, chưa kể những lúc phải tăng ca, nhưng thu nhập mỗi người chỉ 5-6 triệu đồng/tháng. Việc làm và thu nhập tạm ổn, dù chẳng dư dật gì, nhưng việc tìm chỗ gửi trẻ thì quá khó khăn. Xin vào trường công lập thì thủ tục không dễ dàng, xa nhà, giờ giấc không thuận tiện. Gửi vào các nhóm trẻ gia đình nuôi 2-3 cháu tuy yên tâm hơn, nhưng giá lại cao 3 triệu đồng/tháng. Cuối cùng, đứa bé được gửi vào một cơ sở nuôi trẻ tư nhân gần nhà trọ, thời gian đón trẻ kéo dài đến 8 giờ tối. Tuy chưa bị bạo hành, nhưng việc chăm sóc không được tốt, cứ dăm bữa nửa tháng mẹ cháu lại phải nghỉ việc ở nhà chăm con ốm. Chị tôi vào thăm, thấy cuộc sống các cháu quá khó khăn, đứa trẻ còi cọc, ốm yếu nên thuyết phục các cháu về quê tìm việc, dù thu nhập có ít hơn.

Với đà phát triển, các khu công nghiệp hình thành thu hút nhiều lao động trẻ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới chú trọng đến thu hút doanh nghiệp, ít quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng ổn định dân sinh; các doanh nghiệp thì quan tâm đến phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo cơ chế thị trường, có “cầu” ắt có “cung”, hệ luỵ của nó là nhiều cơ sở giữ trẻ không phép, không đảm bảo yêu cầu ra đời, nhiều bảo mẫu chưa được đào tạo bỗng chốc trở thành “mẹ hiền”...

Với Thừa Thiên Huế, hiện các khu công nghiệp của tỉnh ở Phú Bài, Phong Điền, Hương Trà... đang phát triển khá mạnh, thu hút hàng chục nghìn lao động; trong đó đa phần là lao động trẻ. Theo xu thế phát triển chung, tất yếu nhiều cặp vợ chồng trẻ sẽ lập gia đình, có con và an cư gần các khu công nghiệp để thuận tiện cho công việc. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các nhà trẻ tại các khu công nghiệp dành cho con em công nhân lao động là một yêu cầu cấp thiết. Điều này không giúp người lao động giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất, mà còn tạo sức hút với các nhà đầu tư, người lao động đến với các khu công nghiệp, tránh lặp lại những chuyện đau lòng đối với trẻ và các hệ luỵ ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Để làm được điều này, cần có sự chung tay của chính quyền, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và các doanh nghiệp. Quan tâm đến chăm sóc, giáo dục trẻ là cái gốc của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Hoàng Giang