Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng

Sinh sống ven bờ sông Bồ từ bao đời nay, ông Nguyễn Hữu Hóp ở thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ cho hay, vài năm trước, bờ sông cách ngôi nhà của ông khoảng  10 mét. Ảnh hưởng hai trận bão đầu năm nay, bờ sông Bồ bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào khu dân cư, chỉ còn cách nhà ông chừng 2 mét.

Điểm sạt lở tại thôn Niêm Phò

“Từ khi bờ sông bị sạt lở nặng đến nay, gia đình tui cũng như các hộ dân ven sông ăn ngủ không yên. Bao năm dành dụm xây được ngôi nhà, nếu bị lũ cuốn trôi thì người dân sẽ rất khó có thể làm lại được”, ông Hóp chia sẻ.

Ông Nguyễn Lương Hào, Phó Trưởng thôn La Vân Thượng lý giải, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng có thể do cường độ lũ lụt trong mấy năm gần đây rất lớn, dòng chảy xiết. Bờ sông thuộc khu vực thôn La Vân Thượng là khúc eo rất dễ sạt lở khi gặp dòng chảy mạnh. Các dãy tre được trồng bảo vệ bờ sông cũng bị cuốn trôi, mất dần qua các mùa lũ.

Các mùa bão, lũ nhiều năm trước, bờ sông Bồ đoạn đi qua xã Quảng Thọ tuy bị sạt lở nhưng chưa đáng kể. Chừng vài năm trở lại đây, nhất là sau hai trận bão số 1 và 2 đầu năm nay, bờ sông dài 700m bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi sâu đến 5-7m gây ảnh hưởng đến đời sống của 140 hộ dân của thôn La Vân Thượng. Có đoạn bị sạt lở sâu, chỉ còn cách nhà dân chừng 5m, có nhà chỉ cách bờ sông 2m. Trước tình trạng sạt lở, người dân đã dùng cọc tre, bao tải cát gia cố tạm thời tại các điểm sạt lở nặng nhưng khả năng khó chống chọi với lũ.

Bờ sông Bồ đoạn đi qua thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ cũng bị sạt lở nặng với chiều dài 530m, sâu 5m, ảnh hưởng đến đời sống của 7 hộ dân.

Ông Nguyễn Thuất ở thôn Niêm Phò tỏ ra lo lắng khi ngôi nhà của ông chỉ còn cách bờ sông chừng 3m. “Mùa lũ hằng năm gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, bình quân mỗi năm sạt lở khoảng 1-2m. Nhà của tui trước đây cách bờ sông 10-15m, nay chỉ còn vài mét. Nếu chưa có phương án xây dựng kè kiên cố kịp thời thì gia đình tui cần được bố trí đất, hỗ trợ tái định cư vùng an toàn để ổn định cuộc sống”, ông Thuất kiến nghị.

Ông Trương Văn Quốc, cán bộ địa chính xã Quảng Thọ  nói với chúng tôi:  “Nếu không có biện pháp xây dựng kiên cố thì bờ sông Bồ sẽ tiếp tục bị sạt lở, gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, UBND huyện Quảng Điền đầu tư xây dựng bờ kè đoạn bị sạt lở dài 300m với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Đoạn còn lại dài 230m do khó khăn về kinh phí nên huyện chưa thể đầu tư xây dựng”.

Xây dựng bờ kè là phương án tối ưu

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, ngoài xã Quảng Thọ, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Quảng An cũng diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Vào các mùa lũ hằng năm, các địa phương phải huy động các lực lượng, người dân dùng cọc tre, bao tải cát gia cố, song chỉ mang tính tạm thời nhằm hạn chế tình trạng sạt lở. Việc xây dựng hệ thống đê kè chống sạt lở bờ sông trên địa bàn đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, chỉ tính riêng các đoạn bị sạt lở có thể đến hàng chục tỷ đồng (bình quân mỗi mét kè kiên cố chi phí khoảng 10 triệu đồng), nằm ngoài khả năng của huyện và các địa phương.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, biến đổi khí hậu, lũ lụt bất thường trong mấy năm gần đây khiến bờ sông Hương, sông Bồ, Ô Lâu…bị sạt lở trên 100 điểm, đe dọa trực tiếp cả ngàn hộ dân. Nhiều nơi đã được tỉnh và các địa phương quy hoạch, xây dựng khu tái định cư an toàn cho người dân, kết hợp với việc xây dựng bờ kè kiên cố chống sạt lở bờ sông. Nhiều đoạn sông được xây dựng bờ kè đã phát huy tác dụng trong các mùa bão, lũ. Hiện nay vẫn còn nhiều điểm sạt lở trên địa bàn huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà… đang được tỉnh tiếp tục quan tâm và sẽ đầu tư khắc phục, xây dựng kè kiên cố.

Theo ông Hòa, đối với các điểm bị sạt lở nặng chưa được xây dựng bờ kè kiên cố, ảnh hưởng đến khu dân cư, trước mắt các địa phương cần thống kê số hộ, nhân khẩu đưa vào diện sơ tán đến nơi an toàn khi bão, lũ lớn xảy ra.

Bài, ảnh: Hoàng Triều