Cờ ASEAN và quốc kỳ các nước thành viên. Ảnh: AFP
Trong nhiều thập kỷ, ASEAN đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì ổn định chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra suôn sẻ và thắt chặt tình đoàn kết giữa các nước thành viên. Thêm vào đó, hiệp hội cũng hỗ trợ tốt cho việc hòa nhập dòng chảy nhập cư, từ đó tạo nên dòng văn hóa đa dạng của khu vực. Tất cả các yếu tố trên đã và đang thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng ASEAN – khu vực có dân số hơn 624 triệu người.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Thái Lan nhậm chức chủ tịch luận phiên của ASEAN vào năm 2019 sẽ ngày càng khẳng định hơn nữa vai trò của quốc gia này trong chiến lược phát triển chung của toàn khu vực.
“Sau 51 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được một số thành quả nhất định. Song vẫn còn rất nhiều thách thức, mục tiêu mà chúng tôi cần nỗ lực giải quyết”, Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN, thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Suriya Chindawongse nhấn mạnh.
Cũng theo vụ trưởng Suriya Chindawongse, xét về địa lý, Thái Lan có vị trí chiến lược ở trung tâm khu vực. Nhận thấy tiềm năng khu vực dồi dào, Thái Lan đã khởi xướng kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025. Được biết, kế hoạch được thiết lập trong bối cảnh khả năng hội nhập của 10 nước thành viên ASEAN đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhờ vào tiềm năng phát triển quan hệ ngoại giao, thương mại, đầu tư dịch vụ và sự đa dạng về văn hóa, cũng như khả năng phục hồi cao của khu vực...
Thông qua việc Thái Lan chính thức nhậm chức chủ tịch vào năm tới, nhiệm vụ chính của quốc gia này là thúc đẩy ASEAN phát triển toàn diện, cùng lúc hướng đến đạt được những lợi ích tối đa cho người Thái Lan nói riêng và người dân ASEAN nói chung.
Đại diện chính phủ Thái Lan, một lần nữa vụ trưởng Suriya Chindawongse khẳng định: “Trở thành chủ tịch của ASEAN là một niềm vinh hạnh lớn lao. Ngay sau khi nhậm chức, chúng tôi cam kết sẽ hành động với quyết tâm thúc đẩy ASEAN lớn mạnh theo hướng có lợi nhất. Tôn chỉ của chúng tôi là hỗ trợ 10 nước thành viên ASEAN cùng nhau tiến bộ, cải thiện chất lượng sống cho người dân, từ đó tạo ra một cộng đồng chung phát triển vì con người và đảm bảo không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau”.
Về kế hoạch tổng thế, giới chức nước này dự kiến sẽ tổ chức tổng cộng 160 cuộc họp lớn, nhỏ trong suốt 1 năm tới để giải quyết tất cả các vấn đề đang còn tồn tại trong và ngoài khu vực ASEAN. Các buổi hội đàm không chỉ tập trung thảo luận với các nhà lãnh đạo các nước ASEAN, mà còn mở rộng ra với sự tham gia của nhiều đối tác chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Nhìn chung, phát triển ASEAN không đơn giản chỉ là nhiệm vụ riêng biệt của chính phủ Thái Lan, mà đây còn là chiến lược chung cần sự hợp tác của khu vực tư nhân, xã hội và nhân dân, nhất là giới trẻ nước này để trở thành những chủ tịch tương lai của khu vực trong năm tới.
Đan Lê (Lược dịch từ The Nation)