Trung bình, người Đông Nam Á dành đến 140 phút để mua sắm trực tuyến mỗi tháng. Ảnh: Axon-lab
Ngành công nghiệp 200 tỷ USD
Trang Financial Tribune ngày 13/8 trích dẫn một nghiên cứu của Google chỉ ra rằng, nền kinh tế internet của Đông Nam Á đã tăng trưởng cao và đạt 50 tỷ USD trong năm 2017, vượt xa mức dự báo 35%.
Một nghiên cứu trước đó của Google ước tính mỗi tháng khu vực này có khoảng 3,8 triệu người dùng Internet mới, đưa Đông Nam Á trở thành thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm 2015-2020.
Điều này, kết hợp với sự gia tăng dân số trẻ (70% người dân ở Đông Nam Á dưới 40 tuổi), tăng thu nhập, hệ thống thanh toán khả dụng hơn và sự thiếu vắng các hãng bán lẻ có tổ chức, sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế internet trong khu vực, với trị giá ước tính đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2025.
Tiềm năng và thách thức
Theo Financial Tribune, thương mại điện tử ở Đông Nam Á có nhiều tiềm năng lớn khi trung bình người dân trong khu vực tiêu tốn khoảng 3,6 giờ sử dụng internet trên di động mỗi ngày - mức cao nhất trên thế giới.
Người Đông Nam Á cũng dành trung bình đến khoảng 140 phút mua sắm trực tuyến mỗi tháng, cao gấp đôi so với người Mỹ, trong đó số lượng đơn đặt hàng cao nhất nằm trong khoảng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Đáng chú ý, ở mức 0,18% GDP, số tiền đầu tư vào các công ty mới khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã ngang bằng với Ấn Độ - một điểm sáng chứng tỏ tiềm năng internet khổng lồ của khu vực. Tính đến năm 2016, hơn 2,52 tỷ USD đã được rót vào các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Đông Nam Á. Đến năm 2017, con số này đã tăng gấp 3 lên 7,86 tỷ USD từ các nhà đầu tư, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013.
Tuy nhiên, nhiều hãng thương mại điện tử ở Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với một số thách thức khi tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng tại khu vực này chỉ ở mức thấp (trừ Singapore). Từ thực tế đó, một loạt các giải pháp thanh toán đa dạng hơn đang gia tăng nhanh chóng, với nhiều phương thức khác nhau ở mỗi quốc gia, làm nổi rõ những thách thức mà người bán phải đối mặt khi mở rộng quy mô ra phạm vi các nước khác trong khu vực.
Theo Google, một trong những thách thức đáng lo ngại nhất cản trở sự phát triển của nền kinh tế internet là sự thiếu hụt các nhân tài bản địa. Đây được cho là vấn đề cấp thiết nhất so với các thách thức khác. Điều này dẫn đến việc các trung tâm công nghệ được mở ra ở các khu vực khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ - nơi mà những tài năng hàng đầu luôn có sẵn.
Mặc dù vậy, tương lai vẫn còn tươi sáng khi chính phủ các nước và các tổ chức giáo dục trên toàn khu vực đã nhận ra tiềm năng tăng trưởng cao của ngành thương mại điện tử, từ đó đưa ra các sáng kiến để lấp đầy những khoảng cách còn thiếu hụt.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Financial Tribune)