Nông dân tập trung thực hiện các biện pháp dự phòng cho cây lúa

Dịch bệnh do thời tiết thất thường  

Rảo quanh mấy sào ruộng đang giai đoạn làm đòng, ông Hoàng Trọng Linh, xã Điền Hải, Phong Điền cho biết, năm nay thời vụ muộn hơn mọi năm, mưa nắng thất thường nên sâu bệnh hại lúa phát triển mạnh. Hiện 3 sào lúa của gia đình ông đang trổ, một số điểm ở bẹ lá lúa xuất hiện các vết đốm tối hình bầu dục. Kinh nghiệm trồng lúa cho biết đây là dấu hiệu của bệnh khô vằn. Mức độ bệnh đang ở quy mô nhỏ nên chỉ tăng cường bón thêm kali và theo sát kiểm tra ruộng, khi nào bệnh có dấu hiệu lây lan mới tiến hành phun thuốc. Bệnh khô vằn, lem lép hạt cũng bắt đầu xuất hiện trên diện tích lúa trổ ở các địa phương khác.

Huyện Quảng Điền vụ hè thu đưa vào gieo cấy gần 4.100 ha lúa, hiện lúa đang giai đoạn trổ tập trung. Qua khảo sát, toàn huyện có gần 1.500 ha nhiễm bệnh rây nâu và khô vằn, tập trung ở ở những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm của các HTX An Xuân, Đông Phước, Nam Vinh...

Theo ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quảng Điền, năm nay, vụ đông xuân thời tiết bất lợi, lịch thời vụ chậm. Mọi năm thời điểm này địa phương đã bắt đầu chuẩn bị thu hoạch, nhưng vụ này mới đang giai đoạn làm đòng. Thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát dịch bệnh. nắng nóng kéo dài xen kẽ mưa dông rải rác tạo điều kiện cho các loại rầy phát sinh, nhiều diện tích bị bệnh khô vằn, lem lép hạt nếu không chủ động phòng chống kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất.

Tại một số địa phương như: Phú Vang, Phong Điền, Hương Thủy, rầy nâu, nhện gié, lem lép hạt phát triển mạnh hầu hết trên các loại giống.  Theo Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), hiện toàn tỉnh có trên 1.575 ha/25.600 ha lúa hè thu  nhiễm nhện gié, tỷ lệ phổ biến 10-15%, nơi cao 30-60%; 1.234 ha nhiễm rầy; 3.840 ha nhiễm khô vằn…

Các đối tượng sinh vật gây hại khác như sâu cuốn lá nhỏ, chuột, đốm nâu, gạch nâu, thối thân thối bẹ, bạc lá vi khuẩn... tiếp tục phát sinh, phát triển trên đồng ruộng.

Khoanh vùng dập bệnh

Để ngăn chặn dịch bệnh trên lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh yêu cầu các HTX và bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh, kịp thời phòng trừ. Khi phát hiện bệnh cần khoanh vùng và phun đại trà nhằm khống chế sâu bệnh lây lan, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ ở bờ, mương dẫn nước, tích cực chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi, bón cân đối N-P-K, lưu ý không bón thừa đạm.

Trước tình hình dịch bệnh trên lúa có dấu hiệu phức tạp, huyện Quảng Điền chỉ đạo phòng nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật và các HTX tập trung theo dõi, khoanh vùng để có biện pháp xử lý phù hợp; khuyến cáo người dân chỉ phun thuốc phòng trừ ở những diện tích đã nhiễm sâu, bệnh đến ngưỡng phải phun, không phun sớm, tràn lan.

Kinh nghiệm của nhiều HTX cho thấy, bám đồng kịp thời phát hiện bệnh sớm giúp khống chế sâu bệnh phát sinh trên diện rộng.

Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Đông Phú, Quảng An thông tin, HTX chủ động phòng chống sâu bệnh hại lúa ngay từ đầu vụ, lúa làm đòng là thời điểm quyết định nhiều nhất đến năng xuất, sản lượng nên việc khống chế sâu bệnh hại trong thời điểm này cực kỳ quan trọng, cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và phòng trị các loại sâu bệnh hiệu quả.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo, các địa phương nên chú ý phun phòng bệnh lem lép hạt khi trổ vè thưa (lúa trổ 3-5%) và sau khi lúa trổ xong (sau phun lần 1 từ 5-7 ngày) bằng các loại thuốc có tác dụng phòng ngừa bệnh lem lép hạt và đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, hạn chế các nấm gây bệnh phát sinh gây hại làm gia tăng tỷ lệ lem lép.

Tăng cường kiểm, phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và chỉ đạo phòng trừ trên diện hẹp, điều tiết nước hợp lý để hạn chế các đối tượng sinh vật gây hại bộc phát giai đoạn lúa chín. Trong đó, lưu ý, sau khi phun phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại nếu gặp mưa dông phải tiến hành phun lại lần 2 khi thời tiết tạnh ráo để ngăn ngừa vi sinh vật xâm nhiễm gây hại”.

Bài, ảnh: Hoàng Anh