Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward. Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Hà Nội

"Tôi có ba ưu tiên chính khi làm việc tại Việt Nam, đó là hợp tác về tự do thương mại, luật pháp quốc tế và giao lưu nhân dân", Đại sứ Ward nói.

Ông đánh giá dù quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Anh là nước ủng hộ tự do thương mại lớn nhất ở châu Âu, còn Việt Nam cũng là nước ủng hộ tự do thương mại mạnh nhất ở châu Á, vì thế đây là khía cạnh mang lại tiềm năng hợp tác rất lớn cho hai nước. 

Trao đổi với VnExpress, Đại sứ Anh cho rằng toàn cầu hoá có nghĩa là có nhiều người dịch chuyển hơn, dịch chuyển dòng vốn và ý tưởng nhiều hơn, đi kèm với nó là sự khó dự báo. Vì vậy chính phủ có vai trò lớn trong việc làm rõ và giải quyết các thách thức. 

"Hai nước đang có cơ hội hợp tác lớn chưa từng có, vì Việt Nam đã đạt tới mức phát triển cao, nền kinh tế đa dạng hơn, hội nhập sâu hơn và Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trên thế giới", ông Ward nói. Sang năm, Anh sẽ rời khỏi EU, mục tiêu là duy trì mối quan hệ đặc biệt với EU cũng như tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Anh cũng muốn cùng Việt Nam củng cố việc tuân theo các quy tắc quốc tế và bảo vệ an ninh toàn cầu, trong đó có hoạt động của lực lượng gìn giữ hoà bình, giải quyết vấn đề phi hạt nhân hoá và vũ khí hoá học. Ông mong muốn thúc đẩy giao lưu nhân dân bằng việc tăng số du khách Anh đến Việt Nam và ngược lại, cùng với số lượng du học sinh Việt đến Anh. 

Việc đảm nhận cương vị đại sứ tại Việt Nam đối với ông Ward là một sự trở lại. Cách đây 20 năm ông từng đến Việt Nam du lịch, tham gia một nhóm đi từ Hà Nội đến Huế và TP HCM. Ông vẫn nhớ đó là một trải nghiệm tuyệt vời, nhớ rằng Việt Nam khi đó còn nghèo.

"Sau 20 năm, mọi thứ thay đổi rất lớn, các di tích lịch sử vẫn như cũ, phong cảnh miền quê của Việt Nam vẫn đẹp nhưng cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, mức sống của người dân được cải thiện hơn nhiều. Đó là một câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam", ông Ward nói.

Đại sứ cho hay ông rất háo hức với vị trí ở Việt Nam, nơi mọi người có thể nhanh chóng thấy được kết quả chỉ trong một đến hai năm, trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, họ có thể phải mất một để hai thập kỷ để có điều tương tự. Để chuẩn bị cho cuộc sống ở Việt Nam, tân đại sứ đã học Tiếng Việt ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ông cho biết cơ bản là học phát âm chuẩn Tiếng Việt, còn ngữ pháp không quá khó. Đại sứ cũng tự mình khám phá các món ăn phong phú của Việt Nam trên phố, thăm nhiều địa danh và đặc biệt đã đạp xe 200 km đến Hoà Bình, "dù thời tiết rất nóng".

Theo Vnexpress