Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. Ảnh: TTXVN

Nâng điểm chuẩn cao hơn điểm thí sinh

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An tuyển sinh 6 ngành sư phạm là Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh học và Sư phạm Ngữ văn. Trường xét tuyển theo hai hình thức là dựa vào điểm thi Trung học phổ thông quốc gia và điểm học bạ của thí sinh.

Theo đó, với hình thức xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, điểm chuẩn ngành Sư phạm Mầm non là 15 điểm và có 90 thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển. Ngành Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn là 16 điểm, có 34 thí sinh đủ điểm đỗ.

Ngành Sư phạm Tiếng Anh có điểm chuẩn là 15, mức điểm chuẩn thấp nhất có thể, bằng với điểm sàn sư phạm dành cho bậc cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, nhưng cũng chỉ có 3 em trúng tuyển.

“Nếu tính cả hình thức tuyển theo điểm học bạ thì ngành này cũng chỉ được dưới 10 em,” bà Đàm Thị Ngọc Ngà, Phó trưởng Phòng Đào tạo-Nghiên cứu khoa học của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho biết.

Cũng theo bà Ngà, đây mới chỉ là danh sách thí sinh được trường xét trúng tuyển, nhưng thí sinh có nhập học vào trường hay không thì phải đợi chốt số lượng các em gửi giấy báo điểm về trường.

Riêng các ngành Sư phạm Toán, Sinh học và Ngữ văn, điểm chuẩn được trường ấn định ở mức khá cao là 20 điểm. Tuy nhiên, không có thí sinh nào trong danh sách trúng tuyển.

Theo lý giải của bà Ngà, Trường đã buộc phải nâng điểm chuẩn cao vì các ngành này hầu như không có thí sinh, chỉ một vài em đăng ký, nhưng đều ở thứ tự nguyện vọng rất xa, các em chỉ đăng ký cho có.

“Trường đã rất cân nhắc, nếu lấy điểm thấp cũng không biết thí sinh có đỗ vào trường mình hay sẽ đỗ ở các nguyện vọng trước. Nếu thí sinh đỗ vào trường thì trường cũng không thể mở lớp chỉ với một, hai sinh viên. Khi đó sẽ phải vận động các em chuyển ngành. Trường hợp em không đồng ý chuyển ngành thì rất khó cho trường, mở lớp không được, mà không mở lớp cũng không xong vì vi phạm quy ước với thí sinh. Vì vậy, nếu xác định không mở lớp được thì nên để các em có cơ hội đỗ ở nguyện vọng khác. Mùa tuyển sinh năm nay, với 15 điểm, các em cũng đã có thể có cơ hội đỗ vào các trường đại học. Như vậy, vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, vừa an toàn cho trường,” bà Ngà phân trần.

Cũng theo bà Ngà, dù trường có hình thức xét tuyển theo học bạ nhưng cũng xác định không thể tuyển thêm được thí sinh.

Mời thí sinh chuyển ngành

Dù là một trường đại học, nhưng Đại học Hồng Đức cũng gặp tình trạng tương tự như Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và Cao đẳng Sư phạm Nghệ An với một số ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường, mùa tuyển sinh năm nay, Đại học Hồng Đức có hai ngành khó tuyển, mỗi ngành chỉ có một thí sinh đăng ký, là Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh nông nghiệp. Xác định không thể mở ngành với một sinh viên, Hội đồng tuyển sinh của trường đã thống nhất nâng mức điểm chuẩn lên cao hơn điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển.

Cụ thể, trong khi điểm chuẩn của tất cả các ngành học ngoài sư phạm của Đại học Hồng Đức đều chỉ có điểm chuẩn rất khiêm tốn là 13 điểm, thì riêng hai ngành Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh nông nghiệp điểm chuẩn vượt trội lên tới 17 điểm.

“Đó cũng là việc bất đắc dĩ. Sau đó, trường đã liên hệ với các thí sinh này và mời em sang ngành khác trong cùng khối ngành nông nghiệp, là ngành Chăn nuôi thú y. Rất may, thí sinh đã đồng ý với đề nghị này của trường,” ông Sỹ chia sẻ.

Trước đó, như báo VietnamPlus đã đưa tin, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã nâng điểm chuẩn của 6 trên tổng số 8 ngành đào tạo của trường lên cao hơn điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển, để đánh trượt thí sinh. Nguyên nhân do mỗi ngành chỉ có một, hai em đăng ký, không đủ điều kiện mở lớp.

“Hội đồng tuyển sinh của trường đã phải họp lên họp xuống rất nhiều lần để thống nhất, và đó là một quyết định rất đau lòng,” bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nói.

Theo TTXVN