Sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, cùng với tình hình nhập học không đủ chỉ tiêu, nhiều trường đại học phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Không ít trường xét tuyển bổ sung 500-600 chỉ tiêu.
Nhiều trường ĐH phải xét tuyển bổ sung do không tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1. Ảnh minh họa
ĐH Nha Trang xét tuyển 450 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia 2018 cho các ngành.
ĐH Xây dựng Miền Trung cũng vừa ra thông báo tuyển bổ sung 610 chỉ tiêu bằng 2 hình thức xét điểm thi THPT quốc gia và học bạ. Điều kiện để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển là tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải lớn hơn hoặc bằng 13 điểm, điểm từng môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn 1,0.
Đại học Nông Lâm – ĐH Huế cũng tuyển bổ sung 935 chỉ tiêu theo hình thức xét điểm thi THPT quốc gia 2018, 225 chỉ tiêu theo hình thức xét học bạ.
Trường nghề tuyển sinh sôi động
Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn THPT quốc gia, khi nhiều trường đại học công bố mức điểm sàn từ 13, không ít ý kiến lo ngại rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ tuyển thiếu, thậm chí giải thể, song tại nhiều trường đào tạo nghề, mùa tuyển sinh lại khá sôi động.
Năm 2018, trường CĐ Cơ điện Hà Nội tuyển 1.500 chỉ tiêu, trong đó có 1.200 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 300 chỉ tiêu hệ trung cấp, tăng tổng số hơn 300 so với năm 2017.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ đạt chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra. Ngay từ ngày 22/7, chỉ 2 ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT, trường đã bắt đầu đón thí sinh đến đăng ký nhập học. Thời điểm này, chúng tôi đã có xấp xỉ 500 hồ sơ. Đợt nhập học tiếp theo vào ngày 18/8 này, dự kiến sẽ có khoảng hơn 300 thí sinh đến đăng ký nhập học. Như các năm trước, các trường cao đẳng phải chờ các trường đại học công bố điểm chuẩn mới có thể bắt đầu “chạy đua” nhưng năm nay chúng tôi tuyển sinh song song với các trường đại học. Dự kiến quá trình tuyển sinh sẽ kết thúc trong trung tuần tháng 9”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết.
Cũng theo ông Ngọc, trong số các ngành nghề nhà trường đào tạo, các nghề Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Điện lạnh, Công nghiệp ô tô, Cắt gọt kim loại, hàn, Quản trị mạng máy tính được học sinh lựa chọn đông nhất, trong khi các khối ngành về kinh tế lại ít hơn.
Trước những con số có phần khả quan trong mùa tuyển sinh năm nay, Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho rằng, học sinh và phụ huynh đã có những thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề nghiệp, sát với nhu cầu thị trường.
Tương tự, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội năm 2018 có 2.300 chỉ tiêu, trong đó, gần 2000 chỉ tiêu hệ cao đẳng, hơn 300 chỉ tiêu hệ trung cấp. Đến nay, con số đăng ký đã hơn 3.500 hồ sơ.
Một số ngành chủ lực của trường năm nay bị quá tải hồ sơ nộp vào như Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị lữ hành và Hướng dẫn du lịch.
“Nhà trường đã gọi khoảng 3.100 hồ sơ thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2018. Về tổng quan, tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp năm nay khá tốt so với những năm trước. Số lượng thí sinh đăng ký năm nay của trường cũng cao gấp đôi so với năm 2017”, ông Khải cho biết thêm.
Nói về cơ hội việc làm, ông Khải cho hay, theo khảo sát ngay thời điểm cuối khóa học vừa qua, đã có 32% sinh viên có việc làm. Khảo sát năm 2017 cũng cho thấy khoảng 93% sinh viên có việc làm sau khi ra trường, chậm nhất là 6 tháng.
Cam kết việc làm để thu hút sinh viên
Nhận định về sự nhộn nhịp của các trường nghề năm nay, ông Đồng Văn Ngọc cho rằng, nhận thức của phụ huynh và học sinh đang dần có những thay đổi đáng kể sau những nỗ lực truyền thông của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, thực tế xã hội cũng cho thấy, hàng trăm có hàng ngàn sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, thế nhưng tỷ lệ thấy nghiệp sau khi học nghề lại rất thấp.
“Như trường chúng tôi cam kết 100% sinh viên sau khi ra trường có việc làm ngay sau 6 tháng tính từ khi hoàn thành khó học, mức lương khởi điểm từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nếu sinh viên không tìm được việc làm, thì nhà trường sẽ trả lại 100% học học phí”.
Tuy nhiên, trải qua 7 năm cam kết đầu ra cho sinh viên, ông Ngọc cho biết, đến nay mỗi năm chỉ có một lượng nhỏ sinh viên cần nhà trường giới thiệu việc làm. Năm 2017, cả trường chỉ có khoảng 100 sinh viên cần nhà trường giúp đỡ tìm việc trên tổng số gần 900 sinh viên hệ cao đẳng, số còn lại đều đã làm việc tại các doanh nghiệp ngay từ khi còn đang học.
“Để có thể mạnh tay cam kết với sinh viên, chúng tôi đã phải kết nối với rất nhiều doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho các em. Muốn vậy, nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo phải đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Do đó, trường CĐ Cơ điện Hà Nội nhiều năm nay đã mời các doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo như xây dựng chương trình học. Đại diện doanh nghiệp cùng nhà trường trực tiếp tổ chức thi tốt nghiệp đánh giá thí sinh. Mỗi kỳ học, sinh viên nhà trường có ít nhất 3 tháng học trực tiếp tại các doanh nghiệp để vừa học những kiến thức và làm quen với văn hóa tại các môi trường làm việc khác nhau”, ông Ngọc cho biết.
Theo VOV